Đưa giá dự thầu thấp nhất trong nhóm các nhà thầu tham gia dự án cao tốc qua tỉnh Bình Phước, Tập đoàn Sơn Hải bị trượt thầu với lý do “không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật”. Ngay sau đó, tập đoàn này có văn bản bày tỏ phản đối kết quả.
Tập đoàn Sơn Hải được thành lập năm 1998, có trụ sở tại Quảng Bình.
Theo bản đăng ký kinh doanh được cập nhật vào tháng 5/2024, tập đoàn có vốn điều lệ gần 2.366 tỷ đồng, gồm gần 2.055 tỷ đồng tiền mặt và hơn 311 tỷ đồng là giá trị quyền sử dụng đất.
Cổ đông góp vốn gồm ông Nguyễn Viết Hải góp 2.363,8 tỷ đồng (99,9% vốn góp) và ông Lê Thanh Hướng góp 2,1 tỷ đồng (gần 0,1% vốn góp).
Lúc này, Tập đoàn Sơn Hải có 6 người đại diện pháp luật gồm: ông Nguyễn Thanh Hải (sinh năm 1985) là Giám đốc; ông Hoàng Minh Trường (sinh năm 1948) là Phó giám đốc; ông Ngô Minh Ngọc (sinh năm 1987) là Giám đốc; ông Nguyễn Viết Vương (sinh năm 1994) là Tổng giám đốc; ông Nguyễn Viết Hải (sinh năm 1966) là Chủ tịch HĐTV; ông Lê Thanh Hướng (sinh năm 1994) là Giám đốc.
Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải Nguyễn Viết Hải
Đến cuối tháng 5/2024, Tập đoàn Sơn Hải nâng vốn điều lệ lên hơn 4.478 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Viết Hải góp 4.476 tỷ đồng, ông Lê Thanh Hướng góp 2,1 tỷ đồng. Toàn bộ vốn góp bằng tiền. Ông Nguyễn Viết Vương không còn trong danh sách người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Hiện nay, theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Tập đoàn Sơn Hải có 4 người đại diện theo pháp luật là các ông: Nguyễn Viết Hải, Lê Thanh Hướng, Nguyễn Thanh Hải và Ngô Minh Ngọc.
Nhiều năm qua, Sơn Hải đã trúng hơn 20 gói thầu lớn, nổi bật với chất lượng thi công cao và các cam kết bảo hành.
Kể từ năm 2014, Tập đoàn Sơn Hải gây bất ngờ khi cam kết bảo hành 5 năm với các tuyến đường do tập đoàn thi công, trong khi các đơn vị khác chỉ bảo hành từ 1 – 2 năm. Đến cuối năm 2022, Tập đoàn Sơn Hải đề nghị Bộ GTVT được bảo hành 10 năm đối với các đoạn đường thuộc tuyến cao tốc mà nhà thầu này làm.
Một tấm biển trên tuyến cao tốc Sơn Hải thi công có dòng chữ "bảo hành 10 năm". Ảnh: Hoàng Hà
Một số dự án quy mô lớn doanh nghiệp này từng tham gia như dự án trọng điểm Quốc gia hồ chứa nước Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), dự án hồ chứa nước Tân Mỹ (Ninh Thuận); dự án hồ chứa nước Ngàn Trươi (Hà Tĩnh); Gói thầu XL-01 cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, gói thầu XL-07 cao tốc Cam Lộ - La Sơn, gói thầu XL-10 tại cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45…
Ngoài hoạt động xây dựng, Tập đoàn Sơn Hải còn được tỉnh Quảng Bình chấp thuận là nhà đầu tư dự án Khu đô thị Nam Cầu Dài, phường Phú Hải, TP Đồng Hới. Dự án có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng.
Theo số liệu năm 2023, Tập đoàn Sơn Hải ghi nhận doanh thu hơn 4.000 tỷ đồng.
Mới đây, vào tháng 4, Tập đoàn Sơn Hải cùng CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh trúng thầu dự án BOT cao tốc Dầu Giây – Tân Phú với tổng vốn đầu tư 8.496 tỷ đồng. Tuyến đường dài 60,2km đi qua các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú (Đồng Nai), thời gian thi công dự kiến 24 tháng.
Trước đó một tháng, Sơn Hải cũng trúng gói thầu số 01XL xây dựng đường ven biển Phú Yên (đoạn Tuy An – TP Tuy Hòa) với giá trúng thầu gần 891 tỷ đồng – thấp hơn 12,5% so với dự toán ban đầu. Dự án có tổng mức đầu tư 2.228 tỷ đồng, chiều dài 14,6km, nền đường rộng 42m, thiết kế tốc độ 60km/h.
Năm 2024, Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đã thông báo mời thầu gói thầu số 4.7 "Thi công xây dựng & lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay nhà ga hành khách và các công trình khác", thuộc dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Giá gói thầu là 6.368 tỷ đồng.
Tại gói thầu này, liên danh có Sơn Hải đã bị loại do 1 nhà thầu trong liên danh chưa đóng khoản phí duy trì tài khoản hàng năm là 330.000 đồng. Tại cuộc thầu này, liên danh có sự tham gia của Sơn Hải đưa ra giá dự thầu thấp hơn đối thủ khoảng 416 tỷ đồng.
Sau đó, liên danh này cũng bày tỏ quan điểm phản đối kết quả của ACV. Nhưng ACV tiếp tục bảo lưu kết quả đấu thầu này.
Hồng Khanh