Tập đoàn Trung Quốc sẵn sàng chuyển giao công nghệ đường sắt cao tốc cho Việt Nam

Tập đoàn Trung Quốc sẵn sàng chuyển giao công nghệ đường sắt cao tốc cho Việt Nam
3 giờ trướcBài gốc
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá ngành công nghiệp đường sắt Trung Quốc đã vươn lên hàng đầu thế giới, với sự chuẩn bị kỹ về mặt quy hoạch, thiết kế, tiêu chuẩn, quy chuẩn, trong đó có sự tham gia đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp hàng đầu như CREC.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp ông Chen Yun, Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, CREC cần tích cực tham gia vào các dự án, công trình hạ tầng đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc, góp phần thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo hai nước trong việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam, Trung Quốc.
"Các công trình, dự án của CREC tại Việt Nam phải đạt được những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc, là biểu tượng của tình hữu nghị, sự khẳng định chất lượng, thương hiệu của CERC", Phó Thủ tướng nói.
Đáp lại, ông Chen Yun bày tỏ mong muốn CREC được tham gia vào các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt quan trọng của Việt Nam, bao gồm cả việc cung cấp các dịch vụ, tư vấn, cũng như triển khai thi công với cam kết về chất lượng, tiến độ hàng đầu.
Lãnh đạo CREC cho biết, doanh nghiệp này đang quản lý hoạt động của Trung tâm nghiên cứu về đường sắt cao tốc Trung Quốc và bày tỏ sẵn sàng hợp tác với các đối tác Việt Nam trong nghiên cứu, chuyển giao, phát triển công nghệ, cũng như đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp đường sắt cao tốc.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng CREC sẽ khẳng định được chất lượng, trình độ công nghệ của Trung Quốc khi tham gia vào các dự án xây dựng hạ tầng đường sắt tại Việt Nam, bảo đảm thân thiện môi trường, tối ưu khoảng cách vận tải, bảo đảm an toàn tối đa cho hành khách, hàng hóa, áp dụng công nghệ thông minh trong vận hành, khai thác.
Việt Nam đang lên kế hoạch đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tốc độ thiết kế 350 km/giờ. Chiều dài dự án khoảng 1.541 km; đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD, tương đương suất đầu tư 43,7 triệu USD/km. Đây là mức phí trung bình so với các quốc gia đầu tư đường sắt tốc độ cao ở thời điểm hiện tại.
Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.
Về tiến độ, dự án dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10/2024; đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025 - 2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn tuyến vào năm 2035.
Chí Tâm
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/tap-doan-trung-quoc-san-sang-chuyen-giao-cong-nghe-duong-sat-cao-toc-cho-viet-nam-352354.html