Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - mã chứng khoán: PLX) vừa chính thức công bố việc chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện tại Campuchia từ ngày 1/6/2025. Thông tin được phát đi trong công văn số 1160/PLX-TCKT ngày 21/5/2025 như một công bố thông tin bất thường gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.
Theo nội dung quyết định số 499/PLX-QĐ-HĐQT do Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex, ông Phạm Văn Thanh ký ngày 20/5. Mặc dù thông báo của Petrolimex không nêu rõ nguyên nhân cụ thể, nhưng việc giải thể một văn phòng đại diện tại thị trường nước ngoài cho thấy đây là động thái có tính toán, phản ánh sự điều chỉnh chiến lược trong giai đoạn mới của Tập đoàn xăng dầu lớn nhất Việt Nam.
Bức tranh tài chính của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong quý 1/2025 cho thấy nhiều gam màu trầm khi các chỉ số kinh doanh chủ chốt đều sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Những thách thức từ thị trường thế giới, đặc biệt là biến động giá dầu thô, đã trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực phân phối xăng dầu.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 của Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 67.896 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2024. Giá vốn hàng bán cũng giảm tương ứng gần 9%, xuống còn 64.149 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận không được cải thiện, khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 3.711 tỷ đồng, giảm tới 20% so với cùng kỳ.
Áp lực không chỉ đến từ hoạt động cốt lõi. Trong kỳ, doanh thu tài chính chủ yếu đến từ lãi tiền gửi cũng giảm nhẹ 6%, xuống 421 tỷ đồng. Dù vậy, nhờ mặt bằng lãi suất ngân hàng vẫn ở mức thấp, chi phí lãi vay của Petrolimex đã giảm đáng kể 15%, còn 165 tỷ đồng. Ngược lại, một số chi phí khác lại có xu hướng tăng: chi phí bán hàng tăng 5% lên 3.353 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 10%, lên 263 tỷ đồng.
Tổng hòa các yếu tố, lợi nhuận sau thuế quý I/2025 của PLX chỉ còn 211 tỷ đồng mức giảm lên tới 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng lợi nhuận của công ty mẹ ghi nhận mức sụt giảm còn sâu hơn, giảm 88%, chỉ đạt 133 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía Petrolimex, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận lao dốc đến từ những biến động bất lợi trên thị trường năng lượng thế giới. Giá dầu thô WTI đã giảm mạnh từ 77,8 USD/thùng vào đầu quý xuống chỉ còn 67,04 USD/thùng vào cuối quý. Diễn biến này không chỉ ảnh hưởng đến giá vốn hàng bán, mà còn khiến doanh nghiệp phải tăng mạnh trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho để phòng ngừa rủi ro tài chính.
Trước bối cảnh thị trường nhiều biến động, PLX đặt kế hoạch thận trọng cho năm 2025. Cụ thể, doanh thu hợp nhất dự kiến giảm 13% còn 248.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế cũng đặt mục tiêu giảm 19%, về mức 3.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả đạt được sau quý đầu tiên – 358 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế – PLX mới chỉ hoàn thành hơn 11% mục tiêu cả năm, cho thấy áp lực phía trước là không nhỏ.
Về mặt tài chính, đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Petrolimex giảm nhẹ 1,5% so với đầu năm, về mức 80.035 tỷ đồng. Trong cơ cấu tài sản, lượng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm tới 30.460 tỷ đồng, tăng nhẹ và chiếm 38% tổng tài sản. Hàng tồn kho cũng ghi nhận mức tăng 2%, lên gần 15.677 tỷ đồng, tương đương khoảng 20% tổng tài sản.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã tăng vọt lên 334 tỷ đồng cao gấp 4,5 lần so với đầu năm, phản ánh rõ rệt tác động từ xu hướng giảm giá dầu.
Ở phía nguồn vốn, nợ phải trả của Petrolimex giảm 2,8% xuống còn 50.515 tỷ đồng, góp phần cải thiện phần nào cơ cấu tài chính. Tuy vậy, riêng nợ vay tài chính lại có xu hướng tăng mạnh, đạt 20.055 tỷ đồng, tăng tới 15,4% so với đầu năm, cho thấy áp lực tài chính trong bối cảnh lợi nhuận suy giảm vẫn hiện hữu.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 22/5, cổ phiếu PLX giảm 1,42%, xuống còn 34.800 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch 813.800 cổ phiếu.
Thiên Ân