Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm mục đích trao đổi, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính và lồng ghép bình đẳng giới trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, kiểm tra, xử lý, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật và hợp tác quốc tế về pháp luật… Đồng thời, các đại biểu tham gia trực tiếp trao đổi, hỏi, đáp các vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến công tác pháp chế của Bộ.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại hội nghị.
Bà Hà Thu Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị thuộc Bộ đã đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 là 41 văn bản. Trong đó, có Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản về hoạt động khoáng sản; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Địa chất và Khoáng sản về điều tra cơ bản địa chất và điều tra địa chất về khoáng sản; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động viễn thám; Thông tư quy định về tiêu chí theo dõi và đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai…
Theo đề xuất của các đơn vị, hầu hết các văn bản sẽ trình thẩm định vào quý IV-2025, chính vì vậy, Phó vụ trưởng Hà Thu Trang đề nghị các đơn vị rà soát lại, tập trung đẩy sớm tiến độ trình thẩm định cũng như đảm bảo chất lượng văn bản.
Toàn cảnh hội nghị.
Tại hội nghị TS Nguyễn Thị Minh Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) đã hướng dẫn các đại biểu những nội dung quan trọng về hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; nội dung và hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và phối hợp, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động này.
Tin, ảnh: PHẠM OANH