Tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ

Tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ
11 phút trướcBài gốc
Các sở, ngành tích cực vận động các đối tác, nhà tài trợ huy động các nguồn tài chính, hàng hóa viện trợ, kịp thời hỗ trợ người dân, địa phương bị ảnh hưởng.
Mưa lũ sau bão số 3 (Yagi) đã gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng, các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tính đến ngày 30/9, mưa lũ sau bão số 3 đã làm 55 người chết, 19 người bị thương, 3 người mất tích, 1.886 nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng; 833 nhà có nguy cơ sạt lở, 2.252,06 ha diện tích lúa, hoa màu, cây ăn quả, cây trồng hàng năm, lâu năm bị sạt lở, ngập úng; trên 3.200 con gia súc, gia cầm bị chết do sạt lở, cuốn trôi; 17,5 ha diện tích nuôi cá, 26 lồng, bè nuôi cá các loại bị trôi, hư hỏng, trên 3ha diện tích đất sản xuất bị vùi lấp; nhiều công trình cơ sở hạ tầng (giáo dục, y tế, trường học, giao thông, thủy lợi...) bị hư hỏng do sạt lở, ngập nước... ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đặc biệt là tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2024.
Để khắc phục nhanh hậu quả do mưa lũ sau bão, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội; thực hiện Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ; Thông báo số 306-TB/TU ngày 25/9/2024 của Tỉnh ủy về kết luận cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy lần thứ 110, Chủ tịch UBND yêu cầu:
Giám đốc các sở, ngành, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để thúc đẩy sản xuất, duy trì tăng trưởng của ngành nông nghiệp, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân, trong đó chú trọng triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 2582/KH-UBND ngày 27/9/2024 của UBND tỉnh về khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, Thành phố chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực của địa phương (ngân sách địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực hợp pháp khác) để triển khai ngay các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời tổ chức kiểm tra thực địa, xác định mức độ nguy hiểm tại các khu vực mới phát sinh nguy cơ sạt lở cao, nhất là vị trí ảnh hưởng đến khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan... để triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó kịp thời.
Tập trung hỗ trợ khắc phục nhanh đối với thiệt hại về nhà ở của nhân dân. đảm bảo các hoạt động đời sống, xã hội được ổn định. Rà soát, triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng bị tác động do mưa lũ sau bão, bảo đảm đúng quy định, công bằng, công khai, minh bạch, trong đó tập trung: Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đối; Hỗ trợ sửa chữa nhà cửa bị hư hại do mưa lũ sau bão; đối với các bộ bị mất nhà cửa phải hỗ trợ tái định cư, xây dựng lại theo hướng 3 cứng (vách cứng, nên cứng, mái cứng), hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2024; hoàn thành việc khắc phục các cơ sở trường học, bệnh viện, trạm y tế trong tháng 10/2024.
Đối với các nhiệm vụ hỗ trợ khẩn cấp cho nhân dân như: Xây dựng khu tái định cư, hỗ trợ đất ở, nhà ở cho người dân bị thiệt hại hoàn toàn về nhà ở hoặc buộc phải di dời khẩn cấp không thể trở lại sinh sống tại nơi ở cũ cho phép các địa phương thực hiện, đồng thời ngoài thực địa vừa hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật (thủ tục đầu tư; thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất...).
Đối với UBND huyện Nguyên Bình: Đồng ý chủ trương thi công dự án khu tái định cư cho 25 hộ dân xóm Quang Thượng, xã Quang Thành (có nhà ở trong vùng có nguy cơ sạt lở cao) tại vị trí đất đang sản xuất nông nghiệp, không có rừng nhưng chồng lấn với diện tích quy hoạch Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, đồng thời khẩn trương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho các hộ dân, cụ thể: đối với các hộ dân có người bị chết và có nhà ở bị đổ, sập hoàn toàn hoàn thành xây dựng nhà ở trước 30/10/2024.
Khẩn trương rà soát lại kế hoạch, phương án sản xuất nông nghiệp, xây dụng kế hoạch sản xuất đảm bảo kịp mùa vụ, khôi phục đất sản xuất bị vùi lấp, sạt lở do ảnh hưởng đợt bão, lũ vừa qua để chủ động điều tiết, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Xác định nhu cầu kinh phí hỗ trợ, cần xác định rõ từ nguồn dự phòng ngân sách đã cấp, các nguồn tài trợ của tổ chức cá nhân, hỗ trợ lồng ghép các nguồn lực; căn cứ vào điều kiện thực tế, cần sắp xếp thứ tự ưu tiên trên cơ sở kế hoạch, phương án chi tiết, nguồn lực; Sau khi sử dụng hết nguồn vốn ngân sách huyện tự cân đối, rà soát đề xuất hỗ trợ bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương theo quy định.
Các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai; tiếp tục tích cực vận động các đối tác, nhà tài trợ trong nước, quốc tế huy động các nguồn tài chính, hàng hóa viện trợ, thực hiện nhanh chóng, kịp thời cho người dân, địa phương bị ảnh hưởng.
P.V
Nguồn Cao Bằng : https://baocaobang.vn/tap-trung-chi-dao-trien-khai-cac-bien-phap-khac-phuc-hau-qua-sau-bao-so-3-va-mua-lu-3172716.html