Giao thông hiện là một trong những rào cản phát triển của tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập
Muốn phát triển, trước hết phải mở đường. Tuy nhiên, đây đang là vấn đề được xem như rào cản phát triển hàng đầu của tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập. Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định: hệ thống hạ tầng giao thông và logistics của tỉnh Lâm Đồng mới còn yếu.
Xác định rõ điều này, khi làm việc với Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã nhấn mạnh: "Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, chúng ta phải đảm bảo các dự án giao thông trọng điểm được triển khai đúng tiến độ và đạt chất lượng cao nhất”. Liên quan đến vấn đề này, phía Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng đã có những đề xuất cụ thể với lãnh đạo UBND tỉnh để sớm kiến nghị các bộ, ngành Trung ương để điều chỉnh bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận, hỗ trợ kinh phí cải tạo Quốc lộ 28 và triển khai dự án Nâng cấp Quốc lộ 27 có nhiều đoạn đang xuống cấp nghiêm trọng.
Ngày 29/6 vừa qua, tỉnh Lâm Đồng đã khởi công tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu những nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc nâng cao hệ thống hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Tiếp đà đó, hiện tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực hiện thực hóa các dự án cao tốc khác để tăng cường tính kết nối, từng bước hình thành một hệ thống hạ tầng giao thông liên hoàn để mở rộng kết nối vùng, đưa Lâm Đồng mới trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch của cả nước...
Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường, đất đai và khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Trong buổi làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông trước lúc sáp nhập (ngày 9/6, tại Đà Lạt), Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã đề cập đến vấn đề này. Tổng Bí thư nhận định việc quy hoạch khoáng sản gây ách tắc dài hạn tại Tây Nguyên, nhất là Đắk Nông, Lâm Đồng và cả Bình Thuận. Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập cần có lời giải cho bài toán quy hoạch.
Thực tiễn cho thấy, hiện nay tại tỉnh Lâm Đồng, các dự án trọng điểm, từ nông thôn mới đến phát triển công nghiệp xanh và logistics hiện chưa được triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. PGS.TS Phạm Trung Lương - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) nhận định: tỉnh Lâm Đồng mới cần sớm thực hiện các giải pháp để đáp ứng về nguồn nhân lực. Nhất là nhân lực trong ngành du lịch. Sự thiếu hụt về nhân lực sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của tỉnh, khiến việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn...
Nhận thức rõ những khó khăn và thách thức mà tỉnh Lâm Đồng sau sáp nhập đang đối mặt, tại Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã của tỉnh Lâm Đồng, trong bài phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương thời gian tới tiếp tục quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Lâm Đồng, nhất là về cơ chế chính sách đặc thù; ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn của Trung ương đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh và kết nối liên vùng, dự án Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu không gian địa lý dùng chung tỉnh Lâm Đồng nhằm đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước để tỉnh Lâm Đồng có cơ hội bứt phá, phát triển cùng đất nước.
Ngọc Ngà