Tập trung giám sát ô nhiễm môi trường

Tập trung giám sát ô nhiễm môi trường
một ngày trướcBài gốc
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 41, sáng 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.
Tổ chức 4 đoàn công tác giám sát trực tiếp tại 15 địa phương
Trình bày tóm tắt đề cương giám sát chuyên đề, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đoàn giám sát sẽ tổ chức 4 đoàn công tác giám sát trực tiếp tại 15 địa phương, gồm 5 TP (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) và 10 tỉnh (Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Lâm Đồng).
Toàn cảnh phiên họp.
Thời gian giám sát tại địa phương dự kiến từ cuối tháng 6 đến trước ngày 31/7/2025.
Đoàn giám sát cũng sẽ làm việc với các bộ thuộc lĩnh vực, tổ chức tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trước khi làm việc với Chính phủ để thống nhất các nội dung của Báo cáo kết quả giám sát.
Dự kiến chương trình, Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10/2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.
Đoàn giám sát sẽ tập trung đánh giá việc tổ chức thi hành, thực hiện chính sách pháp luật và nội dung quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Tập trung đánh giá có hoạt động kiểm soát ô nhiễm gồm: Kiểm soát nguồn ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường (chất lượng môi trường nước, chất lượng môi trường không khí); chống ngập úng ở các đô thị; việc quản lý chất thải (quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý nước thải đô thị, quản lý chất thải trong hoạt động nông nghiệp, y tế và xây dựng).
Kiến nghị chính sách "mạnh mẽ" xử lý ô nhiễm môi trường
Cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, hoạt động giám sát phải đưa ra được những kiến nghị chính sách "mạnh mẽ theo nguyên tắc ai gây ra ô nhiễm phải trả phí khắc phục môi trường".
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khi giám sát ở các địa phương phải tính đến tính đặc thù của từng địa phương. "Như với Hà Nội, ô nhiễm không khí đang rất bức xúc thì tập trung vào lĩnh vực ô nhiễm không khí”.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị đánh giá tổng thể tình trạng ô nhiễm môi trường. Lấy Hà Nội làm ví dụ cụ thể, ông Vinh cho rằng, thay vì "cứ nói ô nhiễm nhưng chưa thấy cơ quan nào đánh giá tổng thể nguyên nhân từ đâu. Đoàn giám sát cần rà soát xem nguồn phát thải công nghiệp, các khu công nghiệp lớn xung quanh Hà Nội, các cơ sở sản xuất lớn gây ô nhiễm thế nào"...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.
Lấy kinh nghiệm từ thủ đô Bắc Kinh- Trung Quốc có thời gian ô nhiễm nặng nề, nhưng sau khi chuyển hết khu công nghiệp ra khu vực ngoại vi, tổ chức lại cây xanh thì giờ “Bắc Kinh có ai nói ô nhiễm nữa đâu”... Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý hiệu quả. Vì hiện nay, đô thị phát triển sẽ gắn với bùi xây dựng. "Chỉ cần một ngày không lau mặt bàn, mặt kính là một lớp bụi rồi. Nếu bụi đó vào đường hô hấp của chúng ta sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều".
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Chính phủ và UBND TP Hà Nội cũng đã có giải pháp. Theo ông Thành, sau đợt giám sát, cần có hành động quyết liệt hơn, "giống kinh nghiệm của một số quốc gia xung quanh, như Trung Quốc là phải dùng biện pháp mạnh mẽ hơn".
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi các luật, nghị định và cần hành động quyết liệt của chính quyền địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có kế hoạch chi tiết, cụ thể để cuộc giám sát thiết thực và chỉ ra được giải pháp.
Duy Tuấn
Nguồn Công Lý : https://congly.vn/tap-trung-giam-sat-o-nhiem-moi-truong-465699.html