Nông dân huyện Tiên Lữ cày ải, phơi đất
Để vụ lúa xuân đạt hiệu quả kinh tế, năng suất cao, ngoài thực hiện tốt công tác nạo vét thủy lợi và chuẩn bị các loại giống mới có năng suất cao, kháng được sâu bệnh, huyện Phù Cừ đã quan tâm chỉ đạo việc cày ải. Cày ải là biện pháp hữu hiệu góp phần làm tăng độ màu mỡ cho đất, giảm được nguồn sâu bệnh chuyển sang của vụ trước, từ đó giảm chi phí, tăng năng suất. Đến ngày 26/11, các địa phương trong huyện cày ải được 450 héc-ta, đạt 15% diện tích cần cày ải. Để bảo đảm kế hoạch, thời vụ, tạo điều kiện cho nông dân gieo cấy lúa xuân tập trung, ngay từ đầu tháng 11/2024, huyện đã tổ chức triển khai và giao kế hoạch làm đất gieo cấy lúa xuân năm 2025 cho các địa phương. Để việc cày ải được thuận lợi, huyện đã chỉ đạo quy hoạch vùng trồng cây vụ đông, tháo gạn nước các chân ruộng không trồng cây vụ đông để ruộng khô, thuận lợi cho việc đưa máy vào đồng ruộng; HTX dịch vụ nông nghiệp chủ động hợp đồng với chủ máy kéo để tiến hành làm đất.
Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành cày ải xong trong tháng 12, hiện nay, các địa phương của huyện Tiên Lữ đang tích cực chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp, nông dân tập trung phương tiện tiến hành cày ải. Để bảo đảm kế hoạch gieo cấy lúa xuân 2025, tạo thuận lợi cho bơm nước đổ ải, hiện nay, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn và nông dân tập trung tháo gạn nước mặt ruộng, ruộng khô đến đâu tiến hành cày ải ngay đến đó. Đến ngày 26/11, toàn huyện cày ải được 150 héc-ta, đạt 6% diện tích cần cày ải. Huyện chỉ đạo các địa phương tập trung huy động 100% máy kéo lớn và trung bình để cày ải, chỉ sử dụng phương tiện cơ giới để làm đất, cày sâu lật úp gốc rạ nhằm hạn chế sâu bệnh cư trú qua đông. Những khu ruộng không thể sử dụng máy kéo lớn, huyện khuyến cáo sử dụng các loại máy kéo và phương tiện loại nhỏ, sức kéo của đại gia súc để làm đất.
Đến ngày 26/11, nông dân trong tỉnh tiến hành cày ải được 2.675 héc-ta, đạt 14% diện tích cần cày ải; bên cạnh một số địa phương có nhiều diện tích đã được cày ải như Ân Thi, Phù Cừ; việc cày ải ở hầu hết các địa phương còn chậm hoặc chưa được thực hiện, mặc dù đồng ruộng và thời tiết thuận lợi cho việc làm đất. Tìm hiểu được biết, nguyên nhân cày ải chậm là do nhiều diện tích đất trũng, khó tiêu thoát nước nên ruộng còn ướt, việc đưa máy xuống ruộng cày ải gặp khó khăn. Thực tế ở những vụ trước cho thấy, không ít địa phương chưa quan tâm đến việc cày ải, chỉ khi gần thời vụ gieo cấy lúa mới tiến hành cày ải và bừa lồng ngay dẫn đến sâu bệnh có điều kiện phát triển, giảm năng suất lúa. Ngoài ra, một số địa phương chưa chủ động tháo gạn nước khi thu hoạch lúa mùa, do vậy, việc đưa máy cày lớn xuống đồng gặp khó khăn; nhiều nông dân còn coi nhẹ việc cày ải, bỏ qua khâu cày ải, phơi đất mà để cày dồn khi làm đất gieo cấy.
Chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất lúa vụ xuân 2025, ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh khuyến cáo các địa phương và nông dân huy động tối đa nguồn lực, phương tiện để cày ải, cày lật đất trên những diện tích không trồng cây vụ đông, theo phương thức: Những ruộng cao, mặt ruộng không còn đọng nước, tiến hành cày ải ngay trong tháng 11; những ruộng còn đọng nước phải tiến hành xẻ rãnh, gạn tháo, tiêu thoát nước trên mặt ruộng, khi mặt ruộng khô thì tiến hành cày ải và hoàn thành xong trong tháng 12; đối với những chân ruộng trũng, không thể gạn tháo, giữ nước để làm dầm. Trên những diện tích đang trồng và có kế hoạch trồng cây vụ đông: Tiến hành khoanh vùng, giữ nước trên mương máng, đầm, ao, bảo đảm đủ nguồn nước tưới cho cây trồng vụ đông nhưng không gây ảnh hưởng đến việc gạn tháo nước để cày ải và làm thủy lợi nội đồng. Sau khi thu hoạch xong cây vụ đông cần tiến hành cày lật đất để hạn chế cỏ dại phát triển và diệt nguồn sâu bệnh hại lưu trú qua đông.
Đào Ban