Tập trung làm tốt công tác xây mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo

Tập trung làm tốt công tác xây mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo
11 giờ trướcBài gốc
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai trao tiền hỗ trợ xây nhà tình thương cho hộ nghèo tại xã Ia O, huyện Ia Grai vào tháng 6-2024. (Nguồn: Báo Gia Lai)
Trong năm 2025, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông tập trung làm tốt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát để hộ nghèo, cận nghèo an cư lạc nghiệp.
Triển khai chương trình “Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, tỉnh Gia Lai dự kiến hỗ trợ xây mới và sửa chữa 8.178 căn nhà trên địa bàn (trong đó xây mới 6.441 căn và sửa chữa 1.737 căn).
Mục tiêu tổng quát năm 2025 của tỉnh là thực hiện cả 3 chương trình: hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân (trong đó ưu tiên xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công từ nguồn ngân sách nhà nước).
Cụ thể, tỉnh xây mới 133 căn và sửa chữa 115 căn cho gia đình chính sách, người có công; xây mới 4.417 căn và sửa chữa 937 căn cho hộ nghèo; xây mới 1.891 căn và sửa chữa 685 căn cho hộ cận nghèo.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Gia Lai đề nghị huy động sức mạnh của toàn xã hội cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước; đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ để cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.
Tỉnh sẽ hỗ trợ nhà ở đối với tất cả đối tượng (trừ đối tượng hộ thuộc diện bảo trợ xã hội không có khả năng đối ứng) là 60 triệu đồng/hộ khi xây dựng mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa.
Đối với các hộ được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh vận động thêm nguồn lực xã hội hóa để bảo đảm bằng mức hỗ trợ nêu trên; không hồi tố đối với các hộ đã hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà ở.
Về đất xây dựng nhà ở, tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà ở trên đất ở không có tranh chấp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã quyết định theo phân cấp hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Mẫu nhà ở thực hiện theo mẫu thiết kế nhà ở được quy định bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán và đặc điểm của địa phương.
Cùng với đó, tỉnh Gia Lai yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát về giá nguyên vật liệu xây dựng nhà ở trên địa bàn, chủ yếu sử dụng vật liệu của địa phương; huy động mọi lực lượng hỗ trợ, vận động cộng đồng hỗ trợ gia đình, bản thân gia đình tham gia xây dựng; đồng thời phối hợp lực lượng quân đội, công an tham gia hỗ trợ vận chuyển vật liệu, thi công để giảm bớt chi phí.
Mặt khác, Gia Lai cũng vạch rõ tiến độ, thời gian thực hiện cụ thể cũng như phân công nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan nhằm triển khai chương trình đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đồng bộ, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân.
Ông Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Đắk Nông gồm 26 thành viên, do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Các Phó ban gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Nông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông phụ trách mảng văn hóa - xã hội; các thành viên là lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.
Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là tham mưu, đề xuất các giải pháp để đến 31/12/2025 tỉnh Đắk Nông hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Ban có 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công cách mạng; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo ba chương trình mục tiêu quốc gia và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân khó khăn về nhà ở (ngoài 2 nhóm nêu trên).
Ban chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề liên ngành liên quan tới triển khai xóa nhà tạm, dột nát, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra.
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa gần 400 căn nhà cho người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều nhà tạm, nhà dột nát, chưa đảm bảo “3 cứng” hoặc thiếu hụt về chất lượng và cần được hỗ trợ đầu tư xây mới, sửa chữa thời gian tới.
Trong khi đó, việc xây mới, sửa chữa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần sớm được tháo gỡ. Nhiều hộ dân thuộc diện hỗ trợ không đáp ứng đủ các quy định cần thiết về đất đai. Bên cạnh đó, do giá vật liệu tăng cao, nguồn kinh phí hỗ trợ chưa đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng, nhiều hộ gia đình còn khó khăn về kinh tế nên không có khả năng đối ứng thêm.
Chỉ tính riêng các hộ dân đủ điều kiện được hỗ trợ về nhà ở theo 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Đắk Nông hiện có hơn 500 căn nhà cần được xây mới, sửa chữa nhưng chưa triển khai được do các vướng mắc nêu trên./.
(TTXVN/Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/tap-trung-lam-tot-cong-tac-xay-moi-sua-chua-nha-cho-ho-ngheo-post998986.vnp