Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại địa phương.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo bệnh viện tập trung mọi nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với bệnh viện tuyến trên.
Một số bệnh nhân nghi ngộ độc điều trị tại bệnh viện.
Tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định, truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc, điều tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của cơ sở, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ.
Tính đến trưa nay, Bệnh viện Vũng Tàu và Trung tâm Y tế Vietsovpetro đã tiếp nhận 291 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm, đến nay đã cho về nhà 140 ca, hiện còn 151 đang điều trị tại bệnh viện.
Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể, phần lớn do vi khuẩn Salmonella, thường gây ra bệnh tiêu chảy nhưng cũng có thể nhiễm bệnh đến các bộ phận khác của cơ thể bao gồm máu, xương và khớp xương.
Trần Hằng