Hiện, đàn gia súc, gia cầm, thủy sản của thành phố đứng thứ 2 trong cả nước, chiếm hơn 53% giá trị GDP sản xuất nông nghiệp. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đàn gia súc, gia cầm, thành phố đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp cụ thể...
Xí nghiệp chăn nuôi gia cầm (thị xã Sơn Tây) cung cấp hàng triệu gà giống Mía cho thị trường mỗi năm. Ảnh: Trung Nguyên
Nâng cao năng suất giống vật nuôi
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, Hà Nội hiện có 29.600 con trâu, 124.080 con bò, 1.490.000 con lợn, 28,37 triệu con gà, 8,1 triệu con vịt, ngan, ngỗng… Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thủy sản và thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Đình Đảng cho biết: Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi. Đối với bò thịt, các địa phương đã sử dụng tinh giống bò Wagyu để cải tạo chất lượng. Toàn thành phố có hơn 10.000 con bò F1 Wagyu được sinh ra. So với các giống khác, chất lượng thịt bò F1 Wagyu ngon, không hôi, tỷ lệ thịt xẻ đạt 70,77%, tỷ lệ thịt tinh đạt 48,54%, cao hơn các giống bò lai Droughtmaster, Brahman và bò Úc...
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phát triển đàn bò cái nền lai, sử dụng tinh Sind và Senepol để cải tạo đàn cái nền, làm tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ cao vào lai tạo, sản xuất giống bò thịt. Hiện, 100% đàn bò sữa trên địa bàn thành phố được thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò sữa cao sản, sản lượng sữa trung bình 5.000kg/con/chu kỳ 305 ngày. Để nâng cao sản lượng sữa và chất lượng bê cái, Hà Nội triển khai thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân ly giới tính, tiếp tục cải tạo đàn cái nền, thực hiện Zebu hóa đàn bò bằng giống Brahman, Senepol và một số giống kiêm dụng như: Droughmaster, Charolais, Angus, giống chuyên thịt có năng suất cao, chất lượng như BBB, Wagyu.
Điển hình là huyện Ba Vì. Toàn huyện hiện có 4.300 con trâu, 33.000 con bò, trong đó có 11.950 con bò sữa, 285.000 con lợn, hơn 4.900 con đà điểu, 5,8 triệu con gia cầm… Trong đó, Công ty cổ phần Thương mại du lịch và chuyển giao công nghệ nông lâm nghiệp Minh Long (thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì) là đơn vị chuyên cung ứng con giống, tập trung chăn nuôi bò thịt thương phẩm (bò lai Zebu, lai Sind, Brahman, BBB, bò Kobe...). Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại du lịch và chuyển giao công nghệ nông lâm nghiệp Minh Long Hà Minh Mẫn, đơn vị đang chăn nuôi hơn 400 con bò giống và bò thịt theo mô hình khép kín, cung ứng cho thị trường khoảng 10 tấn thịt bò/tháng thông qua các chuỗi thực phẩm sạch và hơn 1.000 con bò giống/năm.
Tại thị xã Sơn Tây, Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội có quy mô nuôi thường xuyên khoảng 10 vạn con gà Mía sinh sản. Hằng năm, công ty cung cấp hơn 1 triệu con giống và khoảng 3 triệu con gà thương phẩm cho các vùng chăn nuôi trọng điểm của thành phố như: Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai... Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm Nguyễn Duy Vụ cho hay: Đơn vị đang áp dụng chọn tạo, lưu giữ gà Mía sinh sản giống gốc. Xí nghiệp sẽ thực hiện xây dựng tháp giống gà Mía để tạo từng dòng gà trống, mái, gà có gen sinh trưởng nhanh; sản xuất giống gà Mía lai Lương Phượng, gà Hồ, gà Đông Tảo lai Lương Phượng với quy mô, chất lượng tốt hơn…
Chú trọng đào tạo, tập huấn kỹ thuật
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động tổ chức sản xuất, phát triển giống vật nuôi, năm 2024, các đơn vị trực thuộc Sở đã phối hợp, mời chuyên gia, tổ chức 15 lớp đào tạo, tập huấn cho 750 lượt hộ chăn nuôi về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, dinh dưỡng và phòng, chống các bệnh thường gặp trên đàn bò sữa, bò thịt; kiến thức về lai tạo giống, lựa chọn con giống; công tác tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xử lý môi trường trong chăn nuôi; tổ chức 2 khóa đào tạo nâng cao nghiệp vụ thú y trên đàn bò cho 60 lượt cán bộ thú y tại các xã chăn nuôi bò thịt, bò sữa tại các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Gia Lâm; tổ chức 2 khóa đào tạo mới, nâng cao cho 45 cán bộ thú y tại các huyện có phong trào chăn nuôi bò phát triển...
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Trần Quang Khuyên cho biết, năm 2024, huyện triển khai một số mô hình hiệu quả kinh tế cao: Chăn nuôi bò sinh sản năm thứ 2 tại các xã: Phú Cường, Vật Lại, Cẩm Lĩnh; chăn nuôi lợn thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường tại xã Sơn Đà. Năm 2025 và những năm tiếp theo, huyện phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng ổn định, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; tập trung phát triển đàn bò thịt, sản phẩm chăn nuôi đặc sản, duy trì, phát triển bò BBB, bò Wagyu, gà đồi Ba Vì; cung cấp cho thị trường khoảng 50.000 tấn thịt trâu, bò, lợn; 30.000 tấn sữa bò; 28.000 tấn thịt gia cầm; 75 triệu quả trứng…
Về lĩnh vực này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển con giống, đàn giống, giống mới, giống đặc sản, đặc hữu để đa dạng sản phẩm chăn nuôi; thu hút doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, xây dựng và phát triển các hội, hợp tác xã chăn nuôi gắn kết thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ; thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng 1-2 trung tâm giống lợn công nghệ cao, 1 trung tâm giống bò và sản xuất tinh bò cọng rạ công nghệ cao, công nghệ phôi; 1 cơ sở tháp giống gia cầm… nhằm mục tiêu xây dựng trung tâm sản xuất giống chất lượng cao của cả nước.
Ánh Dương