Đoàn công tác do đồng chí Nguyễn Đức Hiển dẫn đầu đã đến khảo sát tình hình kinh tế biển trên địa bàn thị trấn Sông Đốc và một số mô hình hoạt động hiệu quả tại xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hiển khảo sát quy hoạch của huyện và quy hoạch chung đô thị Sông Đốc.
Theo đó, tại mỗi điểm khảo sát, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế huyện, trong đó có tình hình khai thác đánh bắt thủy sản, sản xuất kinh doanh lĩnh vực hậu cần nghề cá của các doanh nghiệp Sông Đốc; quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn trong sản xuất chế biến thủy sản. Qua đó, ghi nhận các ý kiến của các doanh nghiệp về đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng cảng cá, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.
Đoàn khảo sát nhà máy bột cá tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy tham quan khu chế biến chả mực tại doanh nghiệp thủy sản Sông Đốc.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hiển cùng đoàn công tác tỉnh khảo sát mô hình nuôi lươn không bùn tại xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thế Châu báo cáo với đoàn về một số mặt công tác năm 2024 của Đảng bộ huyện Trần Văn Thời. Năm qua tất cả các chỉ tiêu tỉnh giao và 12/12 chỉ tiêu nghị quyết của Huyện ủy đều đạt và vượt. Trong đó, sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng về năng suất, sản lượng so năm 2023. Về phát triển kinh tế biển, toàn huyện có 2.057 phương tiện khai thác và dịch vụ hậu cần thủy sản; có 992/992 tàu lắp đặt hành trình tàu cá. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản 1616.500 tấn, đạt 100,3% kế hoạch, bằng 102,2% so với cùng kỳ.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hiển đề nghị huyện tận dụng tối đa nguồn lực, đưa huyện phát triển đi lên.
Huyện có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu ngân sách Nhà nước được 138,3 tỷ đồng, vượt gần 9% chỉ tiêu pháp lệnh; giải ngân vốn đầu tư công 104,2 tỷ đồng, đạt 80,8% kế hoạch vốn, ước đến hết tháng 01 năm 2025 giải ngân đạt trên 95%; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 11%. An sinh xã hội được bảo đảm, toàn huyện hiện còn 342 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,72% (thấp hơn bình quân chung của tỉnh) và có 451 hộ cận nghèo, chiếm 0,95%; có 2 xã (Khánh Lộc và xã Khánh Bình) không còn hộ nghèo. Về thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, đã hoàn thành 127/561 căn, phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán hoàn thành thêm 120 căn.
Các mặt công tác xây dựng Đảng được chỉ đạo, thực hiện đạt kết quả khá toàn diện: phát triển đảng viên vượt chỉ tiêu tỉnh giao (181 đồng chí). Xây dựng hoàn thành các đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị theo đúng chỉ đạo của tỉnh.
Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Nguyễn Thế Châu đề xuất tỉnh quan tâm một số hạng mục đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế biển.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo, các phòng chuyên môn huyện báo cáo về một số khó khăn, vướng mắc của địa phương. Theo đó, huyện kiến nghị đầu tư hạ tầng giao thông Cầu Rạch Ráng và đường dẫn vào cầu để đấu nối vào nút giao tuyến đường cao tốc; sớm mời gọi đầu tư cảng tổng hợp tại Sông Đốc; đầu tư hệ thống thủy lợi, trạm bơm, khép kín, khoanh ô tiểu vùng; kiến nghị tỉnh hỗ trợ mời gọi đầu tư phát triển du lịch sinh thái Đầm Thị Tường, du lịch Bá Ba Phi tương xứng với tiềm năng; mời gọi đầu tư các cụm công nghiệp theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện Trần Văn Thời đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; đồng thời, đầu tư nguồn lực để xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Ghi nhận những trăn trở, khó khăn của địa phương, đồng thời phân tích, nắm bắt nhiều vấn đề trên tất cả các lĩnh vực của huyện, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh, huyện Trần Văn Thời như một Cà Mau thu nhỏ có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, nên cần tập trung đầu tư nguồn lực không dàn trải. Mạnh dạn đề xuất những mô hình mới, cải tiến các mô hình hiện hữu, định hướng mô hình dài hạn để phát triển, tạo hiệu quả cao, tránh phân mảnh; đề xuất cơ chế hạ tầng để tháo gỡ vấn đề manh nha của các cụm công nghiệp.
Đối với những vấn đề lớn của huyện nêu ra, chúng ta trong điều kiện khó khăn chung, cần tìm hướng đi bằng cách mạnh dạn đưa ra những mô hình cơ chế chính sách mới trong thẩm quyền của tỉnh quyết; xác định trọng tâm ưu tiên vào nguồn lực một số công trình hạ tầng có tác động lan tỏa. Huyện cần định hướng rõ và phát triển huyện Trần Văn Thời, trong đó trọng tâm là Sông Đốc, trở thành một trung tâm liên quan đến chế biến, nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh.
Ngoài ra, phải thúc đẩy phát triển hệ thống hợp tác xã; định hướng phát triển du lịch, mở rộng thí điểm nuôi trồng thủy hải sản; hoàn thiện các đề án sắp xếp, bám sát chỉ đạo của tỉnh. Quan tâm vấn đề tinh giản biên chế nhưng vẫn đảm bảo hiệu hoạt động của bộ máy.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng kỳ vọng, huyện tiếp tục phát huy nội lực, tận dụng tốt những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, bứt phá đưa huyện phát triển đi lên trong thời gian tới.
Dịp này, Ngân hàng BIDV trao bảng tượng trưng hỗ trợ huyện Trần Văn Thời 700 triệu đồng xây dựng cầu nông thôn.
Hồng Nhung