Học sinh Trường THCS Gia Thanh (Gia Viễn) trong giờ ôn tập môn Ngữ văn.
Tập trung củng cố kiến thức cho học sinh trong giai đoạn “nước rút”
Công tác ôn tập cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025-2026 tại Trường THCS Gia Thanh (Gia Viễn) đang diễn ra khẩn trương, tập trung. Năm học này, nhà trường có 112 học sinh của 3 lớp 9, nhà trường phấn đấu tỷ lệ học sinh thi đỗ vào lớp 10 THPT đạt trên 88% như kỳ thi tuyển sinh năm học trước.
Thầy giáo Bùi Xuân Hòa, Hiệu trưởng Trường THCS Gia Thanh (Gia Viễn) cho biết: Trong giai đoạn “nước rút” khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025-2026 chỉ còn chưa đầy 1 tháng, sau khi hoàn thành chương trình năm học 2024-2025, nhà trường đã tập trung ôn tập kiến thức cho học sinh lớp 9 trên cơ sở bám sát quy định của Thông tư 29 của Bộ GIáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm để kế hoạch ôn tập dù rút ngắn so với các năm học trước nhưng vẫn đảm bảo củng cố, nâng cao kiến thức cho các em học sinh.
Nhận thức rõ khó khăn của kỳ thi năm nay khi Thông tư 29 quy định thời gian học thêm tại trường rút ngắn chỉ còn 2 tiết/môn/tuần, học sinh Gia Thanh ở vùng nông thôn ít có điều kiện học thêm ngoài nhà trường. Do đó, nhà trường đã chỉ đạo các tổ bộ môn chuẩn bị kỹ càng kiến thức, xây dựng các dạng đề để giúp học sinh ôn luyện kiến thức, rèn kỹ năng làm bài tại các giờ học trên lớp.
Là môn học có nhiều đổi mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, môn Ngữ văn được các thầy cô bộ môn hướng dẫn học sinh ôn tập với những ngữ liệu đa dạng, phong phú theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo là “tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn".
Cô giáo Hồ Thị Vân, giáo viên môn Ngữ văn Trường THCS Gia Thanh cho biết: Với cấu trúc đề thi khác mọi năm, ngữ liệu nằm ngoài chương trình nên đòi hỏi giáo viên phải dành nhiều thời gian chuẩn bị nội dung bài giảng để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Ngoài giờ học chính khóa, với 2 tiết học thêm/tuần, cô giáo sẽ chuẩn bị đề rồi gửi vào nhóm lớp để học sinh về nhà làm. Hôm sau lên lớp sẽ tập trung chữa đề, giúp học sinh củng cố, mở rộng kiến thức.
Đối với Trường THCS Ninh Thành (thành phố Hoa Lư), tỷ lệ học sinh của nhà trường thi đỗ vào lớp 10 THPT đều tăng từ 82%, 86%, 90,05% 3 năm học gần đây luôn là động lực để nhà trường quyết tâm nâng cao chất lượng ôn tập dù cũng gặp khó khăn khi Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm đã khiến thời gian học thêm ở trường rút ngắn chỉ còn 2 tiết/môn/tuần.
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Ninh Thành cho biết: Năm học này, nhà trường có 3 lớp 9 với hơn 100 học sinh. Để kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT đạt cao, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập theo từng giai đoạn, phân công giáo viên phụ trách các nhóm học sinh theo nhu cầu đăng ký thi chuyên hay đại trà để việc ôn tập phù hợp với từng đối tượng kết hợp kiểm tra, đánh giá theo từng chặng để xác định chất lượng từng lớp, từng nhóm.
Tháng 5 là tháng cuối cùng của năm học, là giai đoạn “nước rút” của kỳ thi, nhà trường đã kêu gọi giáo viên sau giờ dạy ở lại trường để hỗ trợ những em học sinh có lực học yếu, kém ở từng bộ môn hoặc yếu ở dạng toán nào để có sự hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, nhà trường cũng phối hợp với Công an phường để tăng cường công tác quản lý học sinh, không để xảy ra tình trạng học sinh sa đà vào các tệ nạn xã hội, chơi game, lơ là việc học.
Động viên, hướng dẫn học sinh nâng cao năng lực tự học
Nếu như những năm học trước, thời gian học thêm được các nhà trường tổ chức vào các buổi chiều trong tuần nên học sinh lớp 9 có nhiều thời gian để ôn tập, củng cố kiến thức với sự hướng dẫn, giảng dạy của các thầy cô. Tuy nhiên, với 2 tiết/môn/tuần như quy định tại Thông tư 29, thời gian tự học của học sinh là chính nên đòi hỏi sự tập trung, quyết tâm rất lớn từ mỗi em.
Đặc biệt, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025-2026 này là kỳ thi đầu tiên theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với cấu trúc đề thi hoàn toàn khác các năm học trước nên đòi hỏi mỗi nhà trường, mỗi thầy cô phải có kế hoạch hợp lý để giúp học sinh ôn tập, củng cố và nâng cao kiến thức.
Giờ học của học sinh Trường THCS Ninh Thành (thành phố Hoa Lư).
Cô giáo Trần Thị Phương Anh, giáo viên bộ môn Toán, Trường THCS Ninh Thành cho biết: Nếu các em học sinh có tinh thần học tập tốt, ý thức tự giác cao thì việc rút ngắn thời gian học thêm ở trường theo quy định của Thông tư 29 là không vấn đề gì. Tuy nhiên, không phải 100% học sinh đều tự giác trong việc tự học nên thay đổi này cũng là khó khăn mà cô trò nhà trường đang phải khắc phục. Giai đoạn này khi kỳ thi đã cận kề, công tác ôn tập sẽ tập trung vào các trọng tâm như: tích cực giao bài, giao đề, tích cực kiểm tra, sát sao việc làm bài tập, làm đề đầy đủ của mỗi học sinh, chú trọng chữa đề để rèn luyện kỹ năng làm bài, lỗi sai hay gặp phải khi làm bài…
Em Phạm Việt Anh, học sinh lớp 9A, Trường THCS Ninh Thành cho biết: Để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng, ngoài các tiết học thêm ở trường ít ỏi, em phải đăng ký học thêm ở trung tâm. Về nhà em cũng cố gắng dành thời gian để làm đề, ôn tập kiến thức. Những bài làm chưa đúng, chưa hiểu lên lớp em sẽ hỏi cô giáo để được giải đáp.
Đối với em Ngô Trần Hải Anh, học sinh lớp 9B, Trường THCS Gia Thanh cho biết: Khi Thông tư 29 có hiệu lực, học sinh chúng em không được học thêm các buổi chiều trong tuần như trước mà chỉ còn 2 tiết/môn. Bên cạnh đó, ở Gia Thanh là địa phương vùng nông thôn nên dù có nhu cầu học thêm ngoài nhà trường thì cũng không có trung tâm dạy thêm. Do đó, em xác định việc chủ động tự học tại nhà là chính.
Em cũng có chút lo lắng vì so với các bạn học sinh ở thành phố có điều kiện tham gia các lớp học thêm. Tuy nhiên, với sự hướng dẫn của các thầy cô, giai đoạn “nước rút”, em tích cực luyện đề các môn, dành thời gian ôn tập tại nhà, rèn luyện kỹ năng làm bài… Em phấn đấu ôn tập để đạt mục tiêu đề ra là thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy.
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2025-2026 trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh có hơn 13.800 thí sinh, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh là 10.129 học sinh/244 lớp, tỷ lệ tuyển sinh mới so với số học sinh lớp 9 đạt 72,7%.
Với chỉ tiêu này, mỗi học sinh lớp 9 trong tỉnh phải nỗ lực và quyết tâm cao để “chắc suất” thi đỗ vào lớp 10 THPT năm học tới. Các trường THCS trong tỉnh đang đẩy mạnh công tác ôn tập, chú trọng hướng dẫn cho học sinh kỹ năng làm bài, củng cố kiến thức.
Cùng với sự vào cuộc của các nhà trường, sự tận tâm, trách nhiệm của mỗi giáo viên, mỗi học sinh cần phát huy tốt năng lực tự học, ý thức tự giác để góp phần vào thành công của kỳ thi.
Bài, ảnh: Lý Nhân