Trước thềm xuân mới, ông Phan Tấn Linh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã chia sẻ về những kết quả nổi bật cùng những giải pháp cần tập trung thời gian tới trong thực hiện chủ trương nhân văn này của Đảng và Nhà nước.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phan Tấn Linh trả lời phỏng vấn Báo Hà Tĩnh.
P.V: Xin ông cho biết về thực tế triển khai Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và một số nghị định liên quan đến chính sách này trên địa bàn tỉnh?
Ông Phan Tấn Linh: Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động các nguồn lực chung tay chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách. Năm 2024, việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc mà ngành LĐ-TB&XH đã tập trung xử lý, tháo gỡ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà chúc Tết cựu TNXP Nguyễn Thị Hòe (TDP Thuận Hồng, phường Đức Thuận), thương binh 2/4.
Cụ thể như: quy trình thực hiện cấp, đổi thẻ BHYT đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công, người phục vụ người có công, cựu chiến binh (CCB), người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc phải qua nhiều bước (từ cấp xã, huyện, tỉnh) để phê duyệt hồ sơ làm mất nhiều thời gian; thực hiện cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến gặp khó khăn do thiếu giấy tờ theo quy định hoặc không còn thân nhân chủ yếu của liệt sĩ; việc lấy mẫu giám định ADN để xác định thông tin về hài cốt liệt sĩ chưa được triển khai sâu rộng; việc giải quyết chế độ cho một số người được hưởng các chế độ ưu đãi cho người được tặng huân, huy chương kháng chiến còn vướng mắc do thông tin trên giấy tờ hiện tại (căn cước công dân) sai lệch với hồ sơ gốc…
P.V: Ngành LĐ-TB&XH đã triển khai những giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công, thưa ông?
Ông Phan Tấn Linh: Toàn tỉnh hiện hơn 84.000 người có công, thân nhân người có công, người phục vụ người có công, CCB, người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc đang được cấp thẻ BHYT. Trước đây, để cấp, đổi thẻ BHYT cho các đối tượng này phải thực hiện qua 4 bước ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh), thời gian, quy trình thẩm định hồ sơ, phê duyệt để cấp thẻ BHYT phải kéo dài, nhất là những đối tượng đi khám chữa bệnh thường xuyên do đau ốm.
Để tạo thuận lợi và giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho các đối tượng, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp BHXH tỉnh hướng dẫn, phân cấp thực hiện chính sách BHYT đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công, người phục vụ người có công, CCB, người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, UBND cấp xã, phường, thị trấn lập danh sách đối tượng đã được phê duyệt cho phòng LĐ-TB&XH và cơ quan BHXH cấp huyện. Việc phân cấp cấp thẻ BHYT cho đối tượng người có công ở cấp huyện đã rút ngắn quy trình thẩm định hồ sơ và quyết định phê duyệt cấp thẻ bảo hiểm. Theo quy trình hướng dẫn đối với hồ sơ hợp lệ là 5 ngày (ngày làm việc) cơ quan BHXH sẽ cấp thẻ BHYT cho đối tượng.
Lãnh đạo xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân trao bằng Tổ quốc ghi công cho đại diện gia đình liệt si Nguyễn Xuân Trường (SN 1937, ở xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh tư liệu
Bên cạnh đó, mặc dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhiều trường hợp hy sinh gia đình vẫn chưa làm được thủ tục hồ sơ để công nhận liệt sĩ, cấp bằng Tổ quốc ghi công do một số loại giấy tờ gia đình không còn lưu giữ; thông tin trong hồ sơ người có công và giấy tờ về hộ tịch của nhiều đối tượng còn sai sót, mất thời gian thẩm định, xác minh thông tin liên quan… ảnh hưởng đến thời gian lập hồ sơ. Vì vậy, trong năm 2024, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã tập trung rà soát lại danh sách đối tượng, bóc tách hồ sơ của đối tượng vướng mắc ở khâu nào sẽ xử lý ở khâu đó để hoàn hiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho các liệt sĩ. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp lại, cấp mới bằng Tổ quốc ghi công cho 2.412 trường hợp.
Đối với thực hiện xác nhận để giải quyết hưởng các chế độ cho người được tặng huân, huy chương kháng chiến do thông tin trên giấy tờ hiện tại (căn cước công dân) sai lệch với hồ sơ gốc là một khó khăn. Bởi việc xác nhận đối tượng hưởng chính sách theo các văn bản hiện hành chưa thống nhất; nhiều trường hợp, đối tượng người có công bị mất giấy tờ gốc hoặc lập hồ sơ thông tin cá nhân không khớp với hồ sơ gốc... Nguyên do là khi kê khai thông tin (ngày, tháng, năm sinh; họ, tên và tên đệm) sai lệch với hồ sơ, giấy tờ gốc đã được tặng huân, huy chương trước đó.
Sở LĐ-TB&XH phối hợp với UBND huyện Thạch Hà tập huấn, đối thoại về thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
Để xử lý vướng mắc này, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Sở Nội vụ, Công an tỉnh, Sở Tư pháp thống nhất giao cho địa phương cấp huyện chịu trách nhiệm xác minh thông tin sai lệch của đối tượng. Từ đó, cấp huyện xác nhận giấy tờ, hồ sơ gốc bị sai lệch thông tin của cùng một đối tượng để ngành LĐ-TB&XH làm cơ sở giải quyết kịp thời, đúng đối tượng, nhất là chính sách trợ cấp mai táng phí. Bằng cách làm này, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã chi trả tiền trợ cấp mai táng phí cho 3.815 thân nhân đối tượng chính sách, với tổng số tiền trên 81,6 tỷ đồng.
Trong năm qua, Sở LĐ-TB&XH cũng phối hợp với Công an tỉnh triển khai thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Ngành đã cung cấp danh sách liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cho lực lượng công an; phối hợp với Công an tỉnh rà soát, xác minh và cập nhật đầy đủ thông tin các liệt sĩ chưa xác định được hài cốt và thân nhân gia đình liệt sĩ để ưu tiên thu thập mẫu ADN thân nhân, đồng thời, tạo lập kho dữ liệu lớn về ADN thân nhân liệt sĩ phục vụ so sánh, tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
P.V: Ông có thể chia sẻ thêm những nhiệm vụ trọng tâm của ngành LĐ-TB&XH trong thời gian tới?
Ông Phan Tấn Linh: Năm 2025, Sở LĐ-TB&XH phối hợp các ngành chức năng, các địa phương triển khai thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi mới, điều chỉnh, bổ sung chế độ trợ cấp ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công và các nghị định của Chính phủ về chính sách ưu đãi người có công. Đặc biệt là chính sách trợ cấp hằng tháng cho thanh niên xung phong tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa. Cùng đó là giải quyết chính sách BHYT cho quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự sau năm 1975 không trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường trở về địa phương.
Cán bộ chính sách và Công an phường Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) thu thập thông tin tại gia đình liệt sĩ trên địa bàn để triển khai thu thập mẫu ADN thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
Tập trung hoàn thiện đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ. Trong đó, tập trung nâng cấp khu mộ liệt sĩ quê Hà Tĩnh tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 (Quảng Trị) theo tinh thần chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy; phối hợp với Công an tỉnh hoàn thiện xây dựng dữ liệu thông tin liệt sĩ và nhân thân đầy đủ, chính xác để tiến hành thực hiện thu mẫu, vận chuyển, phân tích thông tin ADN cho toàn bộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân, cập nhật thông tin ADN vào cơ sở dữ liệu căn cước phục vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Đồng thời, thực hiện sắp xếp, số hóa hồ sơ người có công, tạo thuận lợi cho việc khai thác hệ thống dữ liệu để giải quyết kịp thời chính sách ưu đãi ngay tại cơ sở; tập trung rà soát đối tượng người có công, gia đình chính sách khó khăn về nhà ở để triển khai hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, với quyết tâm không để người có công, gia đình chính sách phải ở nhà xuống cấp, dột nát.
Với những giải pháp mà ngành LĐ-TB&XH tập trung triển khai trong năm 2025, nhằm thực hiện hiệu quả pháp lệnh và các nghị định của Chính phủ về chính sách ưu đãi người công, cùng với sự chăm lo của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, tin rằng, đời sống người có công với cách mạng của Hà Tĩnh tiếp tục được cải thiện và nâng cao.
P.V: Xin cảm ơn ông!
Một số kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành LĐ-TB&XH năm 2024
1. Giải quyết việc làm đạt 23.500 người, tăng 1,6% so với năm 2023, đạt 102,2% kế hoạch (trong đó, giải quyết việc làm trong nước 12.140 người, lao động đi làm việc ở nước ngoài 11.360 người).
2. Tuyển sinh mới tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh 16.831 người, đạt 78,3% kế hoạch năm 2024.
3. Toàn tỉnh còn 9.236 hộ nghèo (19.109 khẩu), tỷ lệ 2,4% (giảm 0,61% so với cuối năm 2023, đạt chỉ tiêu Nghị quyết 64/2021 của HĐND tỉnh); hộ cận nghèo 11.736 hộ (34.921 khẩu), tỷ lệ 3,04% (giảm 0,33% so với cuối năm 2023).
4. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách đối với người có công; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ; 100% đối tượng người có công có mức sống trên mức trung bình so với cộng đồng dân cư nơi cư trú.
5. Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho 789.281 lượt đối tượng bảo trợ xã hội với tổng kinh phí hơn 505,6 tỷ đồng.
6. 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức.
P.V