Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công luôn chậm tiến độ, năm 2025, ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, Chính phủ ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 7/2/2025, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2025 cho các nhiệm vụ, dự án; đẩy nhanh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, phấn đấu tỉ lệ giải ngân đầu tư công năm 2025 đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, chỉ từ tháng 2 - 4/2025, Thủ tướng đã có đến 3 công điện thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công.
Tuy nhiên, kết quả giải ngân đến hết tháng 4/2025 ước đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%); trong đó có 24 bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương tỉ lệ giải ngân thấp dưới mức trung bình cả nước, đặc biệt là 9 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân; 15 bộ, cơ quan trung ương giải ngân dưới 5%; 12 địa phương giải ngân dưới 10%.
Nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, mới đây, tại Nghị quyết 124/NQ-CP ngày 8/5/2025, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu đạt tỉ lệ giải ngân 100% kế hoạch được Thủ tướng giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 của bộ, cơ quan, địa phương mình, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Tăng cường hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, các đoàn công tác của Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kịp thời đôn đốc, xử lý các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, giải ngân vốn đầu tư công, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn để phấn đấu mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Trước đó, Thủ tướng thành lập 7 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Trong đó tỉnh Quảng Trị thuộc Tổ công tác số 2 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm tổ trưởng. Ngày 13/5/2025, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 223/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 2.
Theo đó, có 6 bộ, ngành, địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp hơn trung bình cả nước (Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành phố Hà Nội, Quảng Trị, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng) cần rút kinh nghiệm, đẩy nhanh triển khai thủ tục đầu tư, triển khai thi công trong thời gian tới.
Tổ công tác số 2 là một trong những tổ công tác có lượng vốn giao lớn nhất trong 7 tổ công tác của Chính phủ (được giao 253.255 tỉ đồng, chiếm 30,6% tổng kế hoạch vốn đầu tư được Thủ tướng giao của cả nước), do vậy, kết quả giải ngân của Tổ công tác số 2 ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giải ngân chung của cả nước.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; trong đó cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ; chủ động rà soát, điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn theo quy định; phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn một cách thực chất, hiệu quả theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tùng Lâm