Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì phiên họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chiều 15/1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì phiên họp trực tuyến thứ 9 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ với các địa phương trong cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh chủ trì tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Năm 2024, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về cải cách hành chính đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Cải cách thể chế, cải cách TTHC tiếp tục được quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian lắng nghe, tiếp xúc với người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo nghiên cứu, xử lý những phản ánh, kiến nghị về cơ chế, chính sách, TTHC.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Trong năm đã giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện. Lũy kế đến nay đã giảm 13 sở và tương đương, 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương; sắp xếp 38 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.178 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp giảm 9 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường.
Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, từng bước có những kết quả cụ thể, mô hình tốt. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 59,57% (tăng gần 2 lần so với năm 2023); ở địa phương đạt 56% (tăng 1,92 lần so với năm 2023). Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHCtại các bộ, ngành đạt 61,40% và các địa phương đạt 67,46%.
Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, phân tích một số tồn tại, hạn chế và đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, hoàn thiện việc sửa đổi, đổi bổ sung các quy định chi tiết để triển khai có hiệu quả các luật mới được Quốc hội thông qua; thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình kết luận phiên họp. Ảnh: Minh Đức/TTXVN.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và biểu dương những kết quả trong CCHC mà các bộ, ngành và địa phương đạt được trong năm 2024. Những kết quả đó góp phần quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.
Phát huy những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030. Rà soát, có giải pháp cụ thể, thiết thực tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2025 của các bộ, cơ quan, địa phương. Tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; tăng cường công tác đôn đốc, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về CCHC.
Tập trung triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước bảo đảm khẩn trương để không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc, đảm bảo tinh thần "Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả". Cải cách mạnh mẽ thể chế, quyết liệt tháo gỡ những nút thắt, trọng tâm là các thể chế đang gây lực cản cho tăng trưởng. Không ngừng đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất vừa khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa TTHC ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thống nhất, thông suốt giữa các cơ quan, địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh quán triệt, chỉ đạo sau phiên họp.
Phát biểu chỉ đạo sau phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng, được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở kết quả đánh giá xếp loại chỉ số CCHC năm 2024, đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá lại những mặt đã đạt được, xây dựng kế hoạch khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, tập trung cao cho việc triển khai kế hoạch CCHC năm 2025 đã được UBND tỉnh ban hành, nhất là bám sát vào các nhóm chỉ tiêu và nhóm nhiệm vụ đã được đề ra. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai các nghị quyết, chủ trương, chính sách về sắp xếp, tinh giản bộ máy.
Phúc Quang