Chính sách liên tục được hoàn thiện, nhưng chưa đủ
- Để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, hệ thống chính sách đóng vai trò rất quan trọng. Ông nhận xét thế nào về hệ thống chính sách này?
- Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ là chủ trương rất đúng và trúng, để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế.
Nhận thức rõ về tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một loạt cơ chế chính sách để thúc đẩy. Trong đó, Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã quy định các chính sách hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và chuyển giao, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế về công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ phát triển thị trường… cùng các chính sách ưu đãi về sử dụng đất, được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ… Đây là cú huých lớn cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg năm 2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025; được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 17.01.2024, với nhiều chính sách mang tính tổng thể hơn, toàn diện hơn, trong đó chú trọng vào hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Mặc dù các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được ban hành khá đầy đủ, với nhiều chính sách hỗ trợ rất thiết thực, nhưng khi áp dụng vào thực tế vẫn còn bất cập, doanh nghiệp đâu đó vẫn khó tiếp cận. Nhiều cơ chế về ưu đãi tín dụng đầu tư, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, đặc biệt là phân bổ nguồn lực để triển khai các chính sách về công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa được cụ thể hóa…
Đáng chú ý, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này mới chỉ dừng ở cấp nghị định, thông tư, trong khi công nghiệp hỗ trợ là một lĩnh vực quan trọng, cần một hành lang pháp lý cao hơn.
Luật cần có các chính sách đột phá
- Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng Luật Sản xuất sản phẩm công nghiệp trọng điểm (gọi tắt là Luật). Ông kỳ vọng gì vào Luật này?
- Phải khẳng định rằng, việc xây dựng Luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trọng điểm phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư. Đây cũng là yêu cầu vô cùng cấp bách nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, mới đây nhất là Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặc biệt, xây dựng Luật sẽ giúp ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ có được một hệ thống pháp lý vững chắc hơn để xây dựng các văn bản dưới luật phù hợp.
Được biết, dự thảo Luật tập trung vào công nghiệp hỗ trợ cho các ngành trọng điểm như: dệt may, da - giày, điện - điện tử, cơ khí, sản xuất lắp ráp ô tô, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao; trong đó luật hóa các nội dung để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất chất lượng trong các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ.
Dự thảo Luật đề xuất thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; đổi mới quy trình sản xuất; cải tiến doanh nghiệp công nghiệp; xúc tiến, kết nối thị trường;hỗ trợ tín dụng...
Đây là những định hướng hoàn toàn phù hợp và đúng đắn!
Để Luật thực sự phát huy vai trò khi được thông qua và triển khai trong thực tiễn, tôi rất mong Luật sẽ tạo ra những cơ chế mang tính đột phá cho công nghiệp hỗ trợ phát triển. Đó không chỉ là giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, mà còn phải phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp FDI và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, Luật cần tạo ra chính sách để xây dựng được những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có quy mô lớn, mang tính dẫn dắt và cạnh tranh được với quốc tế.
- Trong khi chờ luật hóa các chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ, theo ông, Chính phủ cần lưu ý gì để thúc đẩy ngành này phát triển?
- Trong khi chờ các chính sách được luật hóa, Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành một Nghị quyết về chính sách thí điểm cho doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Cần quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực và cạnh tranh không cần thiết. Theo đó, cần làm rõ vùng sản xuất linh kiện cho từng ngành; đồng thời có chính sách hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao, hỗ trợ công nghệ khi nhập khẩu các thiết bị cũ đã qua sử dụng nhưng phù hợp với chuẩn mực quốc tế và Việt Nam.
Hiện, vốn đang là rào cản với các doanh nghiệp. Do vậy, Chính phủ cần xem xét để sớm có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn, bao gồm cả lãi suất và thời gian vay, hạn mức vay, tài sản thế chấp.
- Xin cảm ơn ông!
Thiên An thực hiện