Sau khi hợp nhất cùng Hải Dương, TP.Hải Phòng mới có trên 15 khu công nghiệp lớn đang hoạt động.
Theo Cổng thông tin Điện tử TP.Hải Phòng, lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng vừa có cuộc họp về chủ trương đầu tư 02 dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn, bao gồm Khu công nghiệp Thủy Nguyên - Giai đoạn 1 (247,8 ha) và Khu công nghiệp Sân bay Tiên Lãng - Khu B (186,4 ha).
Trong đó, Khu công nghiệp Thủy Nguyên - Giai đoạn 1 do Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Taseco Hải Phòng làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 3.940 tỷ đồng. Tính đến cuối quý 1/2025, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land, mã cổ phiếu TAL) đang nắm giữ 70% tỷ lệ lợi ích tại Taseco Hải Phòng.
Dự án Khu công nghiệp Thủy Nguyên - Giai đoạn 1 sẽ được triển khai trên địa bàn các phường Bạch Đằng, Nam Triệu, Hòa Bình. Dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng sẽ được triển khai từ quý 3/2025 - quý 4/2026. Chủ đầu tư sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, đưa vào khai thác, kinh doanh từ quý 4/2028.
Đối với Khu công nghiệp Sân bay Tiên Lãng - Khu B, dự án do Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp C.E.O, thành viên của Tập đoàn CEO (mã cổ phiếu CEO), làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 2.795 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.Hải Phòng Lê Tiến Châu thống nhất thông qua chủ trương đầu tư đối với 2 dự án trên. Đồng thời lưu ý, trong quá trình triển khai, các dự án cần bám sát, phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch TP.Hải Phòng, các Sở, ngành, chủ đầu tư trong quá trình thu hút đầu tư thực hiện cam kết ưu tiên quỹ đất dành các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu ưu tiên quỹ đất dành cho các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê. Chủ đầu tư bố trí diện tích đất trong khu công nghiệp để phát triển nhà ở lưu trú cũng như thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động.
Hiện tại, Hải Phòng là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp hàng đầu tại miền Bắc. Sau khi hợp nhất cùng Hải Dương, TP.Hải Phòng mới có trên 15 khu công nghiệp lớn đang hoạt động. Với hạ tầng giao thông hiện đại, cụm cảng nước sâu lớn nhất khu vực phía Bắc, Hải Phòng ngày càng thu hút sự hiện diện của cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tổng vốn FDI sau sáp nhập của Hải Phòng đạt gần 45 tỷ USD, với hơn 1.850 dự án đến từ gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Duy Quang