Những ngày này, không khí ở các vùng trồng hoa Tết đã dần tất bật, rộn ràng hơn trước. Nhắc đến hoa Tết, bên cạnh những vùng đất chuyên trồng cúc pha lê, cúc đại đóa hay hoa mai ghép thì vẫn còn một số người chung thủy trồng các loài hoa vạn thọ, mào gà, thược dược… với mong muốn lưu giữ những nét đẹp của Tết xưa.
Về thủ phủ hoa cúc
Những ngày cuối năm, trời bắt đầu se se lạnh, cũng là thời điểm những con đường chạy qua các tổ dân phố Phong Phú 1, Phong Phú 2... của phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa) khoác lên chiếc áo mới. Dọc 2 bên đường hiện diện hàng ngàn chậu cúc đang phát triển tốt, cao nửa người, được nông dân cắm cây, chong đèn để hoa đóng nụ đúng thời điểm.
Nông dân phường Ninh Giang cắm cây cho các chậu cúc Tết.
Trời mưa lất phất nhưng ông Nguyễn Đức Hạnh - nông dân trồng hoa cúc Tết ở Tổ dân phố Phong Phú 2 vẫn cần mẫn lựa cắm những thanh tre vào các chậu cúc, rồi thoăn thoắt cột những cọng thép để giữ dáng cho cây. Khu đất ông Hạnh thuê trồng cúc nằm phía sau UBND phường Ninh Giang, rộng hơn 700m2 phủ kín các chậu cúc loại trung. Ông Hạnh chia sẻ: “Nghe đài báo cơn áp thấp nhiệt đới sắp vào Biển Đông, tôi hơi lo nên dù mưa cũng tranh thủ ra cắm cọc cho cây để lỡ có gió, mưa cây cũng không bị đổ ngã. Chỉ sợ mưa kéo dài, chân cây dễ bị ngập nước dẫn tới lá úa, hoa sẽ đóng nụ chậm, không nở đúng vào dịp Tết”. Đối diện với khu đất của ông Hạnh, khu đất của vợ chồng bà Nguyễn Thị Dũ cũng phủ đầy hoa cúc. Bà Dũ kể, nối nghề cha mẹ, vợ chồng bà ra đây trồng cúc hơn 8 năm nay; bình quân mỗi năm, trồng khoảng 1.000 chậu cúc loại trung. Do năm ngoái hoa bán khó nên năm nay bà chỉ trồng 700 chậu. “Gần 1 tháng rưỡi nữa là cây bắt đầu ra hoa, bây giờ là thời kỳ quan trọng trong việc chăm bón, kích thích cây phát triển đạt độ cao cần thiết. Do đó, ngày nào vợ chồng tôi cũng có mặt ở đây, có hôm ngủ lại đêm. Tuy cực nhưng lại thấy rộn ràng như Tết đang về”, bà Dũ kể.
Ông Nguyễn Bảo (xã Diên Thạnh) chăm sóc các chậu hoa mào gà.
Len theo con hẻm nhỏ đi vào chợ quê ở Tổ dân phố Mỹ Chánh, phóng tầm mắt về cuối con đường, chúng tôi thấy hàng ngàn chậu cúc phủ xanh khu đất rộng hơn 1ha. Gần chục người đang lúi cúi cắm cọc cho cây, có người tưới nước, người cắt cỏ… Ông Tô Hiền - một trong những người trồng cúc lâu năm tại đây cho biết, năm nay, người dân vẫn trồng chủ yếu 2 loại hoa cúc pha lê và đại đóa. Thời điểm tháng 4 âm lịch, người trồng hoa đã bắt đầu ươm giống, sau vài tháng thì cho vào chậu. Sau 20 ngày vào chậu, khi cây lên được 1 - 2 cặp lá, người trồng sẽ chong đèn suốt đêm liên tục trong 3 tháng để kích thích cho cây phát triển chiều cao, không ra nụ sớm. Chăm sóc cho đến tháng 11 âm lịch, chiều cao cây đạt khoảng 1,1m, các nhà vườn bắt đầu ngắt điện để cây ra nụ và tiến hành chọn nụ; mỗi cành chỉ giữ lại một nụ để hoa được đẹp, đều và to. Hoa cúc sẽ bắt đầu nở từ 20 tháng Chạp để cùng khoe sắc với các loài hoa khác trong dịp Tết. Hoa cúc Ninh Giang được thị trường ưa chuộng bởi màu hoa tươi, bông to, lâu tàn, lá dày và xanh; chậu hoa được tạo khối đều đặn, sum suê, tượng trưng cho sự sum vầy gia đình trong ngày Tết - là nét đặc thù riêng mà không phải nơi nào cũng có. Nhờ đó, hoa cúc Ninh Giang không chỉ tiêu thụ tại địa phương mà hơn một nửa được các thương lái thu mua chuyển đi bán ở TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk… Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm trước, trên địa bàn phường có khoảng 150 hộ trồng hoa cúc với 40.000 chậu, năm nay số hộ trồng không giảm nhiều nhưng lượng cúc trồng giảm gần 1/3. Nguyên nhân do giá cả vật tư nông nghiệp và nhân công lao động tăng, diện tích đất trống để trồng cúc bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa…
Góp thêm hương sắc
Rời Ninh Giang, chúng tôi về làng hoa Hà Dừa (xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh) nổi tiếng một thời. Theo lời kể của những cụ cao niên, thời trước, mỗi dịp Tết đến, vùng này bạt ngàn hoa. Người ta trồng mãn đình hồng, mào gà, thược dược và nhiều loài hoa khác. Ngày nay, số hộ dân trồng hoa giảm đi nhiều nhưng len lỏi trong các con đường làng vẫn còn những người ưa chuộng trồng các loài hoa này. Ngồi chăm sóc cho những chậu hoa mào gà, ông Nguyễn Bảo (65 tuổi, thôn Trường Thạnh, xã Diên Thạnh), người có thâm niên trồng hoa Tết hơn 40 năm chia sẻ, từ khi còn nhỏ, ông đã thấy người dân trong làng trồng đủ các loại hoa nên niềm đam mê trồng hoa đã có trong ông từ lúc nào không biết. Ông mày mò tự trồng và học hỏi thêm kinh nghiệm của người đi trước. Dù hiện tại, nhiều người đã đổi sang trồng các loài hoa mới, đáp ứng thị hiếu người dùng nhưng ông vẫn kiên trì trồng các loài hoa mào gà, cúc mâm xôi, hoa vạn thọ vì “nó có vẻ đẹp riêng”. Năm nay, ông trồng 1.000 chậu cúc mâm xôi, 300 chậu mào gà và 400 chậu vạn thọ với nguồn giống nhập từ vùng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). Đặc biệt, ông vẫn giữ thói quen ươm giống hoa vạn thọ trong ụ lá chuối như ngày xưa thay vì ươm trong khay xốp như hiện nay. Ông nói, khi ươm giống trong lá chuối, rễ cây mát hơn nên sẽ phát triển to và nhiều, thân cây mập, cứng nên hoa nở đều và giữ được lâu hơn. Tuy giá bán không cao như các loài hoa Tết khác, nhưng những năm gần đây, xu hướng sử dụng các loài hoa này ngày càng nở rộ, đặc biệt là dùng để trang trí đường phố, nhà hàng, khách sạn, tiểu cảnh gia đình. Do đó, năm nào, ông Bảo cũng bán hết số hoa Tết của mình cho các đầu mối ở TP. Nha Trang.
Ông Hồ Chí Lâm (xã Diên Sơn) chuẩn bị đất để ươm giống hoa vạn thọ.
Trên khu đất trống phía sau UBND xã Diên Sơn (huyện Diên Khánh), ông Hồ Chí Lâm - người trồng hoa vạn thọ nhiều nhất ở địa phương đang tất bật chuẩn bị đất, khay xốp để ươm giống. Cũng như mọi năm, gần cuối tháng 10 âm lịch là thời điểm ông và các hộ dân trong làng lại bắt đầu vào vụ hoa Tết. Năm nay, ông trồng hơn 20.000 chậu hoa vạn thọ với 2 màu chủ đạo là vàng, cam truyền thống và giống hoa vạn thọ mới lai giữa màu vàng - trắng hoặc cam - trắng. Chia sẻ về lý do kiên trì trồng hoa vạn thọ hơn 25 năm, ông Lâm cho biết, nguồn tiêu thụ của loài hoa này khá ổn định do nhu cầu người dân mua để trang trí nhà cửa, viếng mộ, cúng ghe thuyền và gần đây là trang trí công viên, đường phố… Tuy chi phí, giá bán mỗi năm mỗi khác nhưng cả người trồng và người buôn hoa vạn thọ ít khi chịu lỗ. “Tôi rất mê màu sắc của loài hoa này. Nhìn những chậu vạn thọ lớn từng ngày, tôi như đang thấy mùa xuân len lỏi về trong lòng”, ông Lâm nói. Vì đam mê trồng hoa nên ông Lâm chịu khó tìm hiểu các giống hoa vạn thọ mới để có sản phẩm chất lượng cung cấp ra thị trường. Cùng với việc thử nghiệm giống hoa vạn thọ phối giữa màu vàng - trắng hoặc cam - trắng, năm nay, ông cũng thử trồng các chậu hoa vạn thọ lớn, có 2 - 3 cây trở lên để khách có thêm lựa chọn… Ngoài ông Lâm, ở Diên Sơn cũng có hơn chục hộ dân vẫn lưu giữ và trồng các loài hoa này.
Nông dân phường Ninh Giang chăm sóc những chậu cúc Tết.
Nghề trồng hoa thực sự là nghề nhọc nhằn và công phu. Từ khi làm đất, xuống giống, đến khi chăm sóc cây, khi nào hãm, khi nào thúc cho hoa nở đúng kỳ là cả ngón nghề kỳ công. Những người trồng hoa còn phải vừa làm vừa “trông trời, trông đất, trông mây”. Những vất vả, nhọc nhằn ấy để góp hương sắc cho đời mỗi dịp Tết đến, xuân về.
LY DUNG