Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng
Thứ trưởng yêu cầu, công tác thi tuyển sinh đầu cấp và thi tốt nghiệp THPT cần ra đề phù hợp theo những gì đã công bố, theo chuẩn đầu ra chương trình, phù hợp năng lực học sinh và mục tiêu của Kỳ thi theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29 và Kết luận 91, của Thủ tướng Chính phủ là giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, vừa sức với học sinh, với mục tiêu học sinh không phải học thêm tràn lan, giáo viên không dạy thêm tràn lan.
Yêu cầu các Sở thực hiện nghiêm túc, bất cứ Sở nào có yêu cầu hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ thi thử tốt nghiệp thì giao cho Cục QLCL là đầu mối chỉ đạo, để thấy được sự chăm lo chung của các Sở cho công tác thi đầu cấp, đặc biệt là thi tốt nghiệp THPT của năm học này.
Năm nay cả nước có hơn 1,1 triệu học sinh thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6, trong năm đầu kỳ thi theo chương trình mới, tăng khoảng 40.000 em so với năm ngoái.
Tổ chức các điểm thi khác nhau cho các chương trình khác nhau
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Ngọc Hà cho hay, kỳ thi năm nay tổ chức đồng thời cho các em học sinh thi theo chương trình GDPT 2006 (các em chưa tốt nghiệp, hoặc thi để lấy điểm xét tuyển sinh đại học) và học sinh thi theo Chương trình GDPT 2018. Vì thế, các địa phương tuân thủ quy định tổ chức các điểm thi khác nhau cho các chương trình khác nhau. Để tránh sai sót, cần bố trí 1 số điểm thi riêng cho học sinh thi theo Chương trình 2006.
Hiện nay, nhiều địa phương đã tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT, theo Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Hà, việc tổ chức cần cố gắng giống với cách tổ chức kỳ thi chính thức, từ cấu trúc định dạng và mức độ đề thi, thời gian tổ chức thi, sắp xếp phòng thi.
Cơ bản ghi nhận vận hành thuận lợi ở các địa phương, không có vấn đề lớn xảy ra. Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ phần mềm chấm thi, cử cán bộ, chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật, giải đáp các thắc mắc quy trình chấm bảo đảm đúng quy định của Quy chế thi. Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Hà lưu ý, để chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025, địa phương cần chuẩn bị kĩ 5 nhóm vấn đề: cơ sở vật chất, nhân sự, an ninh, tuyên truyền và hỗ trợ thí sinh, phụ huynh và dự phòng sự cố.
Cùng với đó, xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống bất thường, như: lỗi in đề thi; ghi nhầm ở ô thông tin trong tờ trả lời trắc nghiệm hay giấy làm bài thi; thông tin liên lạc chưa thông suốt; mất điện, thời tiết xấu, ùn tắc giao thông; thiên tai, dịch bệnh; tình huống bất thường khác…
Thí sinh sử dụng thông tin mã định danh trên VNEID để đăng ký trực tuyến tại trường THPT
Quy trình coi thi, chấm thi được điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với phương án tổ chức Kỳ thi, đồng thời khắc phục các hạn chế bất cập trước đây để tạo thuận lợi hơn cho các đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện.
So với năm ngoái, số thí sinh tăng từ 1,06 triệu lên trên 1,1 triệu. Từ ngày 21-28/4, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trước đó thí sinh có 4 ngày để đăng ký thử. Thí sinh sử dụng thông tin mã định danh trên VNEID để đăng ký trực tuyến tại trường THPT, không cần cung cấp thêm giấy tờ khác.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng lưu ý các Sở GD&ĐT, trường THPT cần hướng dẫn thí sinh kiểm tra, đối chiếu chéo thông tin đăng ký dự thi. Khi đăng ký, thí sinh phải chọn chương trình. Đây là thông tin quan trọng, làm căn cứ sắp xếp địa điểm, bố trí phòng, đề thi cho các thí sinh. Ngoài ra, vì kỳ thi năm nay có hai nhóm thí sinh với lịch thi, số môn khác nhau nên các địa phương không bố trí hai nhóm ở cùng một điểm thi.
Trao đổi về phương án thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Chánh Thanh tra Bộ GD &ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết: Mục đích của công tác thanh tra, kiểm tra là kịp thời nắm tình hình, bảo đảm Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng Quy chế thi và các văn bản có liên quan.
Trong bối cảnh kỳ thi có nhiều thay đổi và những tác động của việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy tại địa phương, các Sở GD&ĐT đều khẳng định quyết tâm cao nhất tổ chức Kỳ thi thành công, đảm bảo chất lượng của Kỳ thi nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung.
Đỗ Hợp