Tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước

Tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước
3 giờ trướcBài gốc
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh.
Dự tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão lịch sử với cường độ rất mạnh, sức tàn phá lớn, gây mưa lớn tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, gây hậu quả rất nặng nề về người và tài sản, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân.
Với tinh thần nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, các cuộc họp, ban hành nhiều công điện; lãnh đạo Chính phủ đã kiểm tra trực tiếp tại các địa phương. Ngày 17-9-2024 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143-NQ/CP về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Gần đây nhất, ngày 27-9, Thủ tướng ban hành Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27-9-2024 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ.
Các đại biểu dự hội nghị.
Tại Tuyên Quang dù bão lũ đã đi qua, tuy nhiên hậu quả vẫn còn rất nặng nề. Hàng nghìn ha lúa, cây màu mất trắng; sinh kế của người dân bị ảnh hưởng nặng nề; hàng trăm hộ dân đang phải ở nhờ, ở tạm do hiện tượng sạt lở đe dọa đến sự an toàn. Nhiều công trình hạ tầng giao thông, cầu cống, nhà xưởng bị thiệt hại chưa thể khắc phục. Tổng thiệt hại ước trên 2.400 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, các đại biểu đều cho rằng cơn bão số 3 gây thiệt hại không chỉ ở một ngành, một lĩnh vực, một địa phương mà gây ra thảm họa diện rộng. Trước mắt cần ổn định nơi ở cho người dân mất nhà; thực hiện các chính sách an sinh, trong đó có vấn đề trợ cấp gạo, quy hoạch khu dân cư an toàn, xây dựng các công trình trên địa bàn gắn với công tác phòng chống thiên tai, các công trình tránh trú bảo đảm an toàn cho nhân dân trong mùa mưa bão; đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên các địa bàn có nguy cơ xảy ra cao.
Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có cơ chế đặc thù với những địa phương bị thiệt hại nặng nề để khôi phục sản xuất, tái thiết cơ sở hạ tầng bị thiệt hại do bão, đồng thời và chính sách tài chính cho các doanh nghiệp, hợp tác xã như: khoanh, miễn, giảm lãi suất, giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính…để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ 5 bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác phòng chống, khắc phục hậu quả cơ bão số 3. Trước hết là công tác cảnh báo, dự báo phải kịp thời từ sớm, từ xa; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải kịp thời, quyết đoán, trọng tâm, trọng điểm; mục tiêu bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, của nhà nước phải đặt lên trên hết, trước hết, huy động mọi nguồn lực phòng chống thiên tai; các bộ ngành, địa phương tích cực chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền các kỹ năng phòng chống khắc phục hậu quả bão lũ cho người dân.
Tin, ảnh: Đoàn Thư
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/tat-ca-vi-nhan-dan-vi-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-199255.html