Tất niên - nét đẹp trong đời sống văn hóa

Tất niên - nét đẹp trong đời sống văn hóa
4 giờ trướcBài gốc
Những ngày này, khi Tết đã cận kề, bà con, bạn bè thân thiết, lúc gặp nhau, không ít người hỏi “Tất niên chưa?”, “Bao giờ tất niên?” Mấy người bạn theo gia đình định cư ở nước ngoài cũng điện thoại về hỏi thăm chuyện Tết nhất, trong đó có câu: Nhà đã tất niên chưa?... Không phải đến bây giờ, mà từ xa xưa, tất niên đã trở thành phong tục, một nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc.
Hồi còn nhỏ, tôi nhớ, từ 23 tháng Chạp trở đi, sau khi đưa ông Táo về trời, ở quê tôi, cùng với việc chuẩn bị cho ba bữa xuân, các gia đình dù giàu hay nghèo đều tổ chức tất niên, coi đó như một công việc không thể thiếu khi kết thúc năm cũ. Nhiều gia đình tiến hành vào ngày 30, nhưng cũng không ít gia đình làm sớm hơn để tiện việc dọn dẹp cửa nhà.
Một gia đình tại vùng quê cúng tất niên.
Theo thông lệ, ở gia đình tôi, từ sáng sớm, mẹ đi chợ mua sắm các thứ cần thiết, sau đó các thành viên trong gia đình tập trung làm mâm cơm cúng trời đất, thần thánh, một mâm khác dâng lên bàn thờ để mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết. Mâm cơm cúng tất niên thường có nhiều món, tùy thuộc vào sự chuẩn bị của từng gia đình, nhưng ở quê tôi, vào dịp này thường ít khi thiếu hoa và mâm ngũ quả, rượu, thịt, xôi, chè, các loại bánh trái. Đặc biệt, mâm cúng đất trời, thần thánh luôn có thêm đĩa trầu cau, chén gạo trộn muối cùng một chú gà trống luộc chín, chéo cánh cho cái đầu hơi ngửa về phía trước. Nếu nhà nào có làm thịt heo chia cho bà con trong làng, trong xóm ăn Tết thì người ta lấy cái đầu heo luộc, trùm lên đó tấm mỡ chài mỏng màu trắng thay gà làm lễ vật, kèm theo cái móng giò, cái đuôi và các bộ phận ngũ tạng mỗi thứ một chút để tượng trưng.
Trong mâm cúng tất niên, hương và đèn là 2 vật không thể không chuẩn bị trước. Từ thời ông bà cố, đến ông bà nội truyền lại, cha tôi luôn dặn mẹ tôi hương đèn mua cúng Tết phải chuẩn bị loại thơm, loại tốt, vì mỗi năm tất niên chỉ có một lần. Theo quan niệm của người xưa, hương tượng trưng cho các vì sao, kết nối giữa âm với dương, còn đèn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, nên mâm cúng trên bàn thờ cũng như mâm cúng trời đất, thần thánh bao giờ cũng phải có.
Khi các mâm cúng được đặt đầy đủ, tươm tất lên bàn, cha tôi ăn mặt chỉnh tề, thắp hương khấn vái đất trời, thần thánh, ông bà tổ tiên và bày tỏ lòng tri ân về sự độ trì của ơn trên cho gia đình trong việc làm ăn, cũng như sự an lành trong năm qua. Trong khi cha cúng, các thành viên còn lại đứng chắp tay trước bàn thờ, thể hiện lòng tôn kính giữa mùi hương thơm đậm nét tâm linh lan ra trong làn gió mát lạnh của ngày cuối năm. Sau này, khi tôi và mấy đứa em lớn lên, có gia đình riêng, người nào cũng dựa theo cách cha dạy ngày xưa mà làm.
Nước trà là thức được cúng cuối cùng, và khi hương đã tàn, chén gạo trộn muối được rải ra sân, ấy là lúc lễ cúng tất niên kết thúc và không khí gia đình trở nên tấp nập, chuẩn bị cho bữa ăn cuối năm. Cũng như ở nhiều vùng quê khác, bữa cơm tất niên ở quê tôi thường rất đông vui, không chỉ có người thân trong gia đình mà bà con hàng xóm cũng được mời đến để chung vui.
Chuẩn bị mâm cúng tất niên.
Có thể nói, bữa cơm tất niên không chỉ đơn thuần là bữa tiệc, mà ở đó ẩn chứa những nét đẹp văn hóa, tạo nên sợi dây liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình, cũng như hàng xóm, láng giềng mỗi khi Tết đến. Không kể bà con, anh em, con cháu đi xa trở về ngồi đoàn tụ bên nhau, ôn lại bao nhiêu chuyện của gia đình, dòng họ, công việc làm ăn. Nếu ở thành phố người ta trao đổi về công việc cơ quan, xí nghiệp, tình hình kinh doanh… thì ở các làng quê chuyện lúa, chuyện khoai, chuyện nuôi bò trâu, thả cá… lúc này cũng được mang ra bàn luận rồi đặt những mục tiêu cần phấn đấu thực hiện trong năm tới. Đám trẻ con lâu ngày không gặp nhau, lúc này ngoài việc ăn ngon, cũng được một dịp vui chơi, tụ hội và qua đó biết được thêm về người trên, kẻ dưới trong gia đình, họ hàng.
Từ xưa đến nay, ngay cả thời bao cấp, kinh tế khó khăn hay đến những tháng năm đổi mới, cuộc sống đã đi vào ổn định, phát triển, ở nước ta, các gia đình trên khắp mọi miền vẫn luôn giữ thói quen lo cho bữa tất niên được tươm tất, đủ đầy. Cũng có trường hợp, do hoàn cảnh riêng, hoặc làm ăn bận rộn nên đôi lúc việc cúng bái có thể đã giảm bớt các nghi thức, việc chuẩn bị cho mâm cơm cúng tất niên có khi nhanh gọn hơn, nhưng chẳng mấy ai không tiến hành khi những ngày cuối năm đã tới. Bởi ngoài ý nghĩa truyền thống mang tính tâm linh, tất niên còn là dịp đoàn tụ và thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Đối với những đứa con xa quê, Tết về lòng bồi hồi bởi bao nỗi nhớ, trong đó có hình ảnh ngồi bên gia đình trong bữa cơm đầm ấm cuối năm.
HOÀNG NHẬT TUYÊN
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202501/tat-nien-net-dep-trong-doi-song-van-hoa-d127c06/