Tàu cao tốc Nhật Bản tròn 60 năm tuổi và nó đã thay đổi thế giới như thế nào?

Tàu cao tốc Nhật Bản tròn 60 năm tuổi và nó đã thay đổi thế giới như thế nào?
3 giờ trướcBài gốc
Shinkansen là biểu tượng cho sự phục hồi kinh tế và hiện đại hóa của Nhật Bản sau những tàn phá nặng nề của Thế chiến II. Cùng với Thế vận hội Tokyo 1964, Shinkansen đã giúp Nhật Bản khẳng định vị trí của mình trên bản đồ thế giới, thể hiện khả năng đổi mới và vươn lên mạnh mẽ.
Trong 60 năm kể từ chuyến tàu đầu tiên, Shinkansen đã trở thành đại diện trên toàn cầu về sự tiến bộ về tốc độ, hiệu quả và sự hiện đại. Mạng lưới tàu này không chỉ là niềm tự hào của Nhật Bản mà còn là hình mẫu cho hệ thống tàu cao tốc trên toàn thế giới, mang lại một chuẩn mực mới cho ngành giao thông vận tải công cộng.
Tàu Shinkansen chạy trên đường ray gần ga Shimbashi ở trung tâm Tokyo vào ngày 22 tháng 5 năm 2024. Ảnh: Getty Images
Nhật Bản không chỉ là quốc gia tiên phong mà còn là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ đường sắt, với các tập đoàn lớn như Hitachi và Toshiba mang lại giá trị hàng tỷ đô la mỗi năm.
Hệ thống tàu Shinkansenđã mở rộng liên tục kể từ tuyến Tokaido đầu tiên dài 320 dặm, nối liền Tokyo và Shin-Osaka, khánh thành năm 1964. Tàu Shinkansen chạy với tốc độ khoảng 322 km/giờ, kết nối thủ đô với các thành phố lớn như Kobe, Kyoto, Hiroshima và Nagan, tạo thành một mạng lưới trải rộng từ bắc đến nam.
Không chỉ là biểu tượng cho sự phục hồi, Shinkansen còn là động lực phát triển kinh tế liên tục. Với tốc độ và hiệu quả vượt trội, hệ thống giúp thúc đẩy sự di chuyển nhanh chóng giữa các trung tâm kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng và tạo cơ hội kinh doanh.
Thay vì sử dụng khổ đường sắt "chuẩn" rộng 4 ft 8,5 inch (khoảng 1,43 mét) như ở Bắc Mỹ và châu Âu, Nhật Bản đã lựa chọn khổ đường hẹp hơn, rộng 3 ft 6 inch (1,06 mét), để xây dựng mạng lưới đường sắt đầu tiên. Lý do chính là vì khổ đường này rẻ và phù hợp hơn với địa hình đồi núi của Nhật Bản, nhưng đổi lại, nó hạn chế sức chứa và không thể đạt tốc độ cao.
Với bốn hòn đảo chính của Nhật Bản trải dài gần 3.000 km, việc di chuyển giữa các thành phố lớn từng rất gian nan và mất nhiều thời gian. Vào năm 1889, thời gian đi tàu từ Tokyo đến Osaka dài tới 16 tiếng rưỡi, dù vậy vẫn nhanh hơn rất nhiều so với việc đi bộ mất từ hai đến ba tuần. Đến năm 1965, tàu Shinkansen đã giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố này chỉ còn 3 giờ 10 phút.
Cuộc cách mạng đường sắt cao tốc Nhật Bản
Tàu ALFA-X, thế hệ tàu siêu tốc mới của Nhật Bản, gây ấn tượng với tốc độ thử nghiệm gần 400 km/h, dù tốc độ tối đa trong dịch vụ sẽ "chỉ" là 360 km/h. Một trong những điểm nổi bật của tàu là phần mũi dài, không chỉ nhằm cải thiện khí động học mà còn giảm tiếng ồn gây ra khi tàu đi vào đường hầm, một vấn đề lớn ở các khu vực đông dân cư.
Công nghệ an toàn tiên tiến trên ALFA-X giúp giảm rung lắc và tiếng ồn, đồng thời hạn chế nguy cơ trật bánh trong các trận động đất. Tính đến nay, hơn 10 tỷ hành khách đã trải nghiệm hệ thống Shinkansen, cho thấy sự tin cậy và thoải mái của loại hình vận chuyển này, khiến cho việc di chuyển tốc độ cao trở nên phổ biến và gần như là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.
Năm 2022, hơn 295 triệu hành khách đã sử dụng dịch vụ tàu Shinkansen tại Nhật Bản, cho thấy sự phổ biến và hiệu quả của hệ thống này. Nhiều quốc gia khác đã học hỏi và phát triển các tuyến đường sắt cao tốc trong bốn thập kỷ qua, nổi bật nhất là Pháp với hệ thống TGV hoạt động từ năm 1981, kết nối Paris và Lyon.
Bản đồ các tuyến đường sắt cao tốc của Nhật Bản. Ảnh: jrailpass.com
Pháp không chỉ thành công trong việc vận hành TGV mà còn xuất khẩu công nghệ này sang nhiều quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Bỉ, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Morocco- quốc gia có tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở châu Phi. Mạng lưới TGV đã rút ngắn thời gian di chuyển giữa các thành phố lớn, giúp hành khách tiết kiệm chi phí và thời gian, khiến việc đi lại bằng tàu trở nên dễ dàng và phổ biến.
Các quốc gia như Ý, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út cũng đã triển khai hệ thống tàu cao tốc nối các thành phố lớn. Trong khi đó, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đang lên kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc riêng của mình.
Sự phát triển của đường sắt Trung Quốc
Trung Quốc cũng đang nổi lên như một thế lực hàng đầu trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, xây dựng mạng lưới dài nhất thế giới với tổng chiều dài gần 28.000 dặm tính đến cuối năm 2023. Những tuyến đường này không chỉ là phương tiện vận chuyển, mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và củng cố sự ổn định xã hội trong một quốc gia rộng lớn.
Hàng trăm tàu cao tốc đang chờ khởi hành tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Được xây dựng dựa trên công nghệ học hỏi từ Nhật Bản và châu Âu, ngành đường sắt của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ và tiếp tục hướng tới những công nghệ tiên tiến như tàu đệm từ (Maglev), có khả năng chạy với tốc độ gần 400 dặm/giờ (gần 650 km/giờ). Nhật Bản cũng đang phát triển tuyến Maglev của riêng mình, dự kiến kết nối Tokyo với Nagoya vào năm 2034, giúp rút ngắn thời gian di chuyển tới Osaka chỉ còn 67 phút.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều người cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi máy bay do lo ngại về môi trường, có thể sắp tới đường sắt sẽ phát triển mạnh mẽ, mở ra một thời kỳ hoàng kim mới cho hệ thống vận tải đường sắt trên toàn thế giới.
Hà Trang (theo CNN)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/tau-cao-toc-nhat-ban-tron-60-nam-tuoi-va-no-da-thay-doi-the-gioi-nhu-the-nao-post314884.html