'Tàu là nhà, sông là quê hương'

'Tàu là nhà, sông là quê hương'
6 giờ trướcBài gốc
Nhiệm vụ của các anh là phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức canh gác, ngăn chặn kịp thời phương tiện thủy, nhà nổi, bè nổi và đối tượng xâm nhập trái phép từ Campuchia vào Việt Nam. Dịch bệnh đã qua đi, nhưng nguy cơ nhập cảnh trái phép vẫn hiện hữu, không thể lơ là phút giây nào. Tháng 3/2024, UBND tỉnh An Giang ban hành Quyết định 535/QĐ-UBND, giải thể Sở Chỉ huy thống nhất, rút một số lực lượng về thực hiện vị trí thường xuyên. Riêng biên đội tàu Lữ đoàn 962 vẫn tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện, nối dài hành trình giữ gìn lũy thép vô hình trên sông Tiền.
Theo thượng tá Lê Hoàng Minh (Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 962), hơn 3 năm qua, biên đội luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Lữ đoàn; sự động viên, giúp đỡ kịp thời về vật chất và tinh thần của các cơ quan, ban, ngành, địa phương; các lực lượng đóng quân trên địa bàn. Tập thể biên đội đoàn kết, thống nhất, thực hiện nhiệm vụ thời gian dài nên tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc phát hiện, xử trí tình huống. Phương tiện, trang bị được đảm bảo, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
“Thời gian qua, chúng tôi phối hợp phát hiện, xử trí 88 vụ, 197 phương tiện các loại; 24 nhà nổi, bè nổi, với 671 người xuất - nhập cảnh trái phép trên cửa khẩu đường sông khu vực đảm nhiệm. Từ thành tích này, nhiều tập thể, cá nhân được Bộ Quốc phòng, Quân khu 9, UBND tỉnh An Giang khen thưởng. Từ đầu năm 2024 đến nay, biên đội phối hợp lực lượng biên phòng nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ. Nhờ vậy, tuyến biên giới này cơ bản ổn định, các hoạt động diễn ra bình thường” - thượng tá Lê Hoàng Minh thông tin.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở sông Tiền
Cùng tham gia với Biên đội tàu Lữ đoàn 962 là những người lính được tăng cường từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang. Thiếu tá Trần Năng Vĩnh Đông (Phó thuyền trưởng) cho biết: “Lần thứ hai trở lại tăng cường cho khu vực này, chúng tôi động viên cán bộ, chiến sĩ cùng vượt qua khó khăn. Suốt nhiều tháng, tất cả chia nhau không gian sinh hoạt chật chội trên tàu, điện, nước hạn chế (bơm nước sông lên lóng phèn, phục vụ tắm giặt). Thời tiết thay đổi thất thường. Mùa mưa thì gặp cảnh giông lốc, nước sông dâng cao, dòng chảy xiết, quá trình neo đậu tàu gặp khó khăn, nguy cơ cao va đập, mất an toàn. Đặc biệt, khu vực này mật độ giao thông thủy dày đặc, tải trọng lớn. Mùa nắng, không khí trên tàu hầm hập, nước sông hắt lên khô khốc, ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của bộ đội. Chúng tôi thường nhận thực phẩm tập trung, lưu trữ ăn dần 2 - 3 ngày”.
Đã là người lính, công tác ở đâu cũng vất vả như nhau. Nhưng nhiệm vụ đặc biệt trên sông Tiền buộc 100% cán bộ, chiến sĩ xa gia đình, đặt chuyện quốc gia lên trước hết, chuyện nhà gác lại sau lưng. Chưa thể biết trước khi nào biên đội sẽ hoàn thành “sứ mệnh”, nên mỗi ngày trôi qua đều là một ngày đong đầy vất vả của lực lượng làm nhiệm vụ.
Thấu hiểu được tâm tình của cán bộ, chiến sĩ, nhiều đoàn công tác Trung ương và địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các anh. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh: “Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự chủ động, linh hoạt của cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên sông Tiền. Qua đó, mong muốn các đơn vị tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, siết chặt biên giới, đặc biệt là đường sông; kiên quyết, kiên trì, quyết tâm ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an ninh biên giới. Từng lực lượng tiếp tục nỗ lực, cố gắng vượt nắng, thắng mưa, chắc tay súng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Trong chuyến công tác tại An Giang đầu tháng 10/2024, thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến (Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Việt Nam) dành thời gian đến thăm Biên đội tàu Lữ đoàn 962 và lực lượng biên phòng đang bám trụ nơi đây. Dù đã cuối giờ chiều, nhưng không khí trên tàu vẫn chưa kịp dịu đi, còn nóng ran cả người. Đoàn công tác lưu lại ít phút thôi, đã cảm thấy mồ hôi nhễ nhại, bức bối, huống chi bộ đội phải trực chiến, sinh hoạt ngày này sang ngày khác.
Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến tâm tình: “Chúng tôi thấu hiểu cán bộ, chiến sĩ các lực lượng đang vất vả, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ lâu dài trên biên giới đường sông. Các đồng chí vừa phải chịu thời tiết khắc nghiệt, vừa mang nặng hoàn cảnh gia đình riêng. Đó là sự nỗ lực rất cao, là tinh thần hy sinh lớn, góp phần giữ vững ổn định đường biên giữa 2 quốc gia. Mong rằng, tất cả tiếp tục đoàn kết, chia sẻ khó khăn, vất vả, cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, Bộ đội Biên phòng An Giang giữ vai trò nòng cốt, thẩm quyền chủ trì; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, động viên, trực tiếp phối hợp các lực lượng xây dựng kế hoạch hàng tuần, tháng; giảm tải áp lực, tổ chức một số hoạt động phù hợp, tạo điều kiện giao lưu, khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ”.
GIA KHÁNH
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/tau-la-nha-song-la-que-huong-a407340.html