Nhiều người xuống đường biểu tình phản đối du lịch ồ ạt ở Barcelona. Nguồn: PA
Động thái này là một phần trong loạt chính sách mạnh tay của Chính phủ Tây Ban Nha nhằm kiềm chế tình trạng “du lịch hóa” không gian sống và bảo vệ quyền được ở của người dân bản địa, giữa lúc giá thuê nhà và bất động sản ở các thành phố lớn tăng vọt do nhu cầu du lịch và làn sóng mua nhà từ nước ngoài.
Người dân có quyền phủ quyết việc cho thuê nhà nghỉ dưỡng
Theo luật mới, có hiệu lực từ 3.4 vừa qua, bất kỳ cư dân nào sống trong các tòa nhà căn hộ đều có thể đề xuất bỏ phiếu để cấm việc cho thuê ngắn hạn trong tòa nhà. Nếu 60% cư dân trong khu biểu quyết phản đối, thì chủ sở hữu căn hộ sẽ không được phép sử dụng căn hộ của mình để cho thuê nghỉ dưỡng, đặc biệt trong các nền tảng như Airbnb hay Booking.
Theo Bộ Nhà ở Tây Ban Nha, nhà nước trao quyền cho cộng đồng dân cư để quyết định việc sử dụng căn hộ trong khu của họ. Các nhà chức trách tin rằng, nhà ở có chức năng xã hội, được Hiến pháp bảo vệ, và ưu tiên cho nhu cầu cư trú dài hạn hơn là lợi nhuận thương mại.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh giá bất động sản tại nhiều thành phố như Barcelona, Madrid hay Valencia tăng vọt. Theo dữ liệu từ các đại lý bất động sản địa phương, giá nhà đã tăng 24% trong vòng 5 năm qua, và phần lớn nguyên nhân được cho là do lượng khách du lịch tăng mạnh và hoạt động đầu tư của người nước ngoài.
Riêng trong năm 2023, theo Finder, Tây Ban Nha đón hơn 17,8 triệu du khách từ Anh – đưa quốc gia này trở thành điểm đến phổ biến nhất của người Anh. Tại những “khu vực căng thẳng cao” như trung tâm các thành phố lớn và các vùng ven biển, Thủ tướng Pedro Sánchez đã đề xuất giới hạn số lượng nhà nghỉ được phép hoạt động.
Ngoài ra, vào tháng 1.2025, ông Sánchez còn tuyên bố kế hoạch đánh thuế 100% đối với việc mua nhà tại Tây Ban Nha của các công dân ngoài EU – một động thái nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ bất động sản bởi người nước ngoài, vốn đang bị cáo buộc đẩy giá nhà lên quá cao so với thu nhập trung bình của người dân Tây Ban Nha.
Căng thẳng nhà ở không chỉ tồn tại trên giấy. Tháng này, hàng chục nghìn người Tây Ban Nha đã đổ xuống đường tại hơn 40 thành phố để phản đối giá thuê nhà cao ngất và yêu cầu Chính phủ thắt chặt quản lý các căn hộ cho thuê nghỉ dưỡng.
Tại Palma de Mallorca – điểm nóng du lịch, người dân mang theo các biểu ngữ như “Chúng tôi không phải là công viên giải trí!” hay “Nhà ở là quyền, không phải đặc quyền”. Các nhà hoạt động cho rằng, Airbnb và các hình thức lưu trú ngắn hạn khác đã làm cạn kiệt nguồn cung nhà ở lâu dài, khiến thanh niên và người thu nhập thấp khó có thể tiếp cận nhà ở trong thành phố mình sinh sống.
Tình trạng tương tự trên toàn cầu
Dưới áp lực ngày càng gia tăng từ làn sóng du lịch hóa, Tây Ban Nha không phải là quốc gia duy nhất đang tìm cách lấy lại thế cân bằng giữa quyền lợi của người dân và sức hút kinh tế từ ngành công nghiệp không khói. Trên bản đồ thế giới, nhiều thành phố lớn đã bắt đầu siết chặt quy định với các loại hình cho thuê ngắn hạn – vốn được xem là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy giá nhà lên cao, làm xáo trộn cấu trúc dân cư truyền thống và phá vỡ tính ổn định trong phát triển đô thị.
Tại Lisbon, thủ đô của Bồ Đào Nha – nơi từng được ca ngợi là “thiên đường của du lịch giá rẻ” – chính quyền thành phố đã ra quyết định tạm ngưng cấp phép mới cho các căn hộ cho thuê ngắn hạn ở những khu vực trung tâm vốn đã quá tải. Theo các nhà chức trách thành phố, đây là bước đi cần thiết để giành lại quyền được sống tại thành phố cho chính những người dân đã tạo nên linh hồn cho nơi này, đặc biệt là giới trẻ đang dần bị đẩy ra vùng ven bởi làn sóng đầu tư bất động sản phục vụ du khách.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, New York, một trong những đô thị đông đúc và đắt đỏ nhất của Mỹ, cũng đã ra tay quyết liệt. Từ năm 2023, thành phố này đã cấm gần như toàn bộ hình thức cho thuê ngắn hạn dưới 30 ngày nếu chủ nhà không cùng cư trú trong căn hộ. Biện pháp này được đưa ra nhằm ngăn chặn việc các tòa nhà dân cư bị biến thành "khách sạn trá hình", gây thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhà ở lâu dài cho cư dân bản địa.
Thành phố Florence của Italy thì lại lựa chọn con đường cứng rắn hơn: cấm hoàn toàn việc chuyển đổi các căn hộ trong khu phố cổ – khu vực được UNESCO công nhận là di sản thế giới – thành nhà nghỉ. Theo giới chức, lệnh cấm này là tuyên ngôn rõ ràng về việc bảo vệ không gian sống, bảo tồn ký ức đô thị và quyền cư trú lâu dài cho người dân địa phương.
Không chỉ vậy, tại Amsterdam, chính quyền đã giới hạn số ngày được phép cho thuê ngắn hạn chỉ còn 30 ngày/năm, đi kèm yêu cầu đăng ký bắt buộc. Còn ở Berlin, một trong những thành phố có quy định chặt chẽ nhất châu Âu, việc cho thuê cả căn hộ làm nơi lưu trú tạm thời đã bị cấm từ năm 2016, trừ khi có giấy phép đặc biệt – nhằm duy trì ổn định thị trường nhà ở và chống đầu cơ bất động sản.
Giới chuyên gia quy hoạch đô thị và kinh tế học đều nhìn nhận: xu hướng siết chặt cho thuê ngắn hạn là lời hồi đáp tất yếu trước một thập kỷ phát triển nóng của ngành du lịch toàn cầu và sự bùng nổ của các nền tảng như Airbnb, Vrbo. Khi những căn hộ vốn dành cho cư dân địa phương bị chuyển đổi ồ ạt sang mô hình phục vụ khách du lịch ngắn hạn, các đô thị bắt đầu chứng kiến hệ quả: khủng hoảng nhà ở, mất cân bằng dân số, xung đột văn hóa và sự mai một của bản sắc cộng đồng.
Tây Ban Nha, với hơn 80 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm và ngành du lịch chiếm khoảng 12% GDP, thực sự đang đối mặt với bài toán khó. Nhưng thay vì tiếp tục chạy theo những con số ấn tượng về lượng khách và doanh thu, quốc gia này đang chủ động điều chỉnh hướng đi – hướng tới mô hình du lịch bền vững hơn, nơi mà giá trị kinh tế không đánh đổi bằng sự xói mòn trong chất lượng sống của người dân bản địa.
Linh Anh