Các phương tiện bị nước lũ cuốn trôi tại tỉnh Valencia, Tây Ban Nha ngày 31/10/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Trong cuộc họp báo được phát sóng trên truyền hình ngày 2/11, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez xác nhận trận lụt lịch sử đã này cướp đi ít nhất 211 sinh mạng. Số nạn nhân khả năng sẽ tiếp tục tăng do còn nhiều người mất tích và chưa thể xác định con số cụ thể khi hệ thống liên lạc vẫn bị hư hỏng nặng.
Ông Sanchez cho biết chính phủ đã triển khai thêm 5.000 binh sĩ và sĩ quan cảnh sát hỗ trợ lực lượng cứu hộ cứu nạn tìm kiếm người mất tích và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ, cùng với 2.500 nhân lực đã được triển khai trước đó. Ông nhấn mạnh đây là lần triển khai các lực lượng vũ trang lớn nhất tại Tây Ban Nha trong thời bình. Ông cam kết Chính phủ Tây Ban Nha sẽ huy động mọi nguồn lực cần thiết đễ hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
Khu vực Valencia, miền Đông Tây Ban Nha, là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ lụt này. Hàng nghìn ngôi nhà bị ngập lụt, cơ sở hạ tầng bị phá hủy và giao thông bị tê liệt. Người dân địa phương đã phải đối mặt với những khó khăn chồng chất khi thiếu nước sạch, điện và thực phẩm. Ưu tiên của Chính phủ Tây Ban Nha hiện nay là khôi phục trật tự, phát phát hàng cứu trợ đến các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề lũ lụt,...
Trong hoàn cảnh khó khăn, người dân Tây Ban Nha đã thể hiện tinh thần đoàn kết cao. Hàng ngàn tình nguyện viên đã đến các khu vực bị ảnh hưởng để giúp đỡ những người gặp khó khăn. Trung tâm Nghệ thuật và Khoa học Valencia đã được chuyển đổi thành trung tâm điều phối các hoạt động cứu trợ.
Các chuyên gia khí tượng cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những nguyên nhân chính gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt. Đây là thảm họa thiên tai nghiêm trọng nhất tại châu Âu kể từ năm 1967 khi có ít nhất 500 người thiệt mạng trong trận lụt tại Bồ Đào Nha.
Lan Phương (TTXVN)