Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế đã hình thành, phát huy hiệu quả rõ nét, không chỉ với các loại cây công nghiệp chủ lực như cà phê, chanh dây mà còn mở rộng sang rau xanh và cây trồng ngắn ngày.
Đổi thay từ nếp nghĩ, cách trồng cà phê
Gia Lai hiện có hơn 100.000 ha cà phê, trong đó khu vực phía Tây tỉnh là vùng trồng tập trung lớn nhất. Theo định hướng của Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến năm 2030, khoảng 80% diện tích cà phê khu vực này sẽ đạt chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như: 4C, VietGAP, GlobalGAP hoặc hữu cơ. Đây là bước chuyển quan trọng nhằm đưa cà phê Gia Lai vươn xa trên bản đồ xuất khẩu, đặc biệt là vào các thị trường khó tính như EU.
Bà Nguyễn Thị Thảo (thôn 4, xã Ia Ko) ủ chế phẩm IMO để bón cho vườn cà phê. Ảnh: Ngọc Sang
Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều nông hộ đã chủ động chuyển đổi phương thức canh tác. Tại thôn 4 (xã Ia Ko), gia đình chị Nguyễn Thị Thảo canh tác 2 ha cà phê theo hướng hữu cơ bền vững. Từ khâu cải tạo đất, chọn giống đến chăm sóc và thu hoạch, tất cả quy trình đều tuân thủ nghiêm ngặt: Tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, thu hái cà phê khi chín từ 80-90% để đảm bảo chất lượng nhân.
“Thu hoạch thành nhiều đợt tuy mất công nhưng quả chín đều, cho nhân đẹp, cành không bị tổn thương, năng suất vụ sau cũng tốt hơn. Năm ngoái, gia đình thu về 6 tấn cà phê nhân”-chị Thảo chia sẻ.
Tại xã Đak Đoa, mô hình trồng cà phê theo quy trình EMI Nhật Bản do Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh triển khai đang tạo ra những thay đổi rõ rệt trong tập quán sản xuất của đồng bào Bahnar.
Vườn cà phê của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lam Anh (xã Đak Đoa) được chăm sóc theo hướng hữu cơ. Ảnh: Ngọc Sang
Trước đây, anh Xuân (làng Groi Wêt) sử dụng thuốc diệt cỏ và phân hóa học nên đất bạc màu, năng suất thấp. Từ khi tham gia HTX, chuyển sang canh tác sinh học, anh giảm được 30% chi phí đầu tư, nâng năng suất từ 3 tấn lên 5 tấn/1,5 ha.
“HTX hướng dẫn tận tình cách để cỏ giữ ẩm, dùng vỏ cà phê ủ làm phân hữu cơ, cắt tỉa cây đúng kỹ thuật. Giờ cây xanh tốt, ít sâu bệnh, mà mình khỏe hơn vì không phải tiếp xúc thuốc hóa học”, anh Xuân nói.
Sự thay đổi trong nhận thức và hành động của nông dân đang góp phần tạo nên làn sóng canh tác hữu cơ bền vững, đưa cà phê Gia Lai từng bước chinh phục thị trường khó tính.
Chanh dây hữu cơ: Thay đổi diện mạo xã vùng sâu
Năm 2024, từ chương trình hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa Hòa (xã Chư Păh) triển khai mô hình chanh dây VietGAP với 14 thành viên, tổng diện tích hơn 10 ha. Người dân được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn ghi nhật ký canh tác, sử dụng phân hữu cơ và tuân thủ thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa thu mua chanh dây của nông dân. Ảnh: Ngọc Sang
Anh Phan Thế Linh (thôn 2, xã Chư Păh) chia sẻ: “Tôi trồng 1,3 ha chanh dây VietGAP, tiết kiệm được chi phí phân bón, nhân công. Năm nay giá cao, có thời điểm chanh xuất khẩu đạt giá 55.000 đồng/kg. Sau 3 đợt thu hoạch, trừ chi phí tôi còn lãi khoảng 300 triệu đồng”.
Theo ông Nguyễn Thế Minh-Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Nghĩa Hòa, mô hình VietGAP giúp quản lý chặt quy trình canh tác, giảm phân thuốc hóa học, tăng bón phân hữu cơ, từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Một số hộ đã duy trì hướng canh tác hữu cơ, sẵn sàng mở rộng vào mùa khô tới.
Xa hơn về phía Tây Nam, xã Ia Lâu từng là vùng khó khăn, người dân sống nhờ cây mì, điều, lúa một vụ. Nhưng vài năm gần đây, cây chanh dây hữu cơ đã mở ra hướng đi mới.
Chanh dây được người dân xã Ia Lâu trồng theo hướng hữu cơ. Ảnh: Ngọc Sang
Gia đình anh Trịnh Phúc (làng Me) là một trong những hộ tiên phong chuyển 2 ha từ trồng lúa sang trồng chanh dây hữu cơ. Được Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ hỗ trợ giống, kỹ thuật, anh chăm sóc đúng quy trình: đất sạch, phân vi sinh, không dùng thuốc hóa học.
“Trồng hữu cơ cực hơn nhưng cây khỏe, quả đẹp, giá cao. Một năm tôi lãi hơn 400 triệu đồng. Quan trọng là không còn lo ảnh hưởng sức khỏe như trước”, anh Phúc chia sẻ.
Theo ông Bùi Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, xã hiện có khoảng 45 ha chanh dây, chủ yếu ở vùng có hệ thống thủy lợi tốt. Chính quyền định hướng phát triển có kiểm soát, ưu tiên vùng đảm bảo nguồn nước, tuân thủ quy trình hữu cơ để ổn định đầu ra và bảo vệ môi trường.
Rau xanh, củ quả: Hướng đi mới từ mô hình nhỏ
Bên cạnh cây công nghiệp, các mô hình rau xanh, củ quả hữu cơ, VietGAP đang từng bước hình thành ở các xã phía Tây như: Chư Sê, Chư Prông, Đak Pơ. Mặc dù quy mô còn nhỏ, nhưng các mô hình này đã cho thấy hiệu quả rõ nét, giúp đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp và cải thiện thu nhập cho người dân.
Anh Nguyễn Đức Thêm (xã Chư Păh) duy trì mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà màng đã hơn 7 năm, mang lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh: Nguyễn Diệp
Tại xã Chư Păh, anh Nguyễn Đức Thêm duy trì mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà màng hơn 7 năm qua. Với diện tích 700 m², anh đầu tư khoảng 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt, giá đỡ, trồng xà lách, dưa leo bi, rau cải theo phương pháp thủy canh.
“Rau của tôi cung cấp cho siêu thị, nhà hàng quanh khu vực. Xà lách luôn bán được 40-50 nghìn đồng/kg. Mỗi tháng, tôi thu khoảng 1 tấn, sau khi trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng. Riêng dưa leo bi trồng 250 m², mỗi năm thu 5 lứa, mỗi lứa 1 tấn, bán 30 nghìn đồng/kg, lãi khoảng 100 triệu đồng/năm”, anh Thêm cho biết.
Mô hình nhà màng giúp chủ động mùa vụ, hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là trong mùa mưa. Tuy nhiên, độ ẩm cao vẫn ảnh hưởng đến năng suất nên việc cải tiến công nghệ và nhân rộng mô hình cũng sẽ được anh tính đến trong tương lai.
Theo thống kê mới nhất, khu vực Tây Gia Lai hiện có hơn 59.600 ha cây trồng đạt tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến, trong đó khoảng 1.200 ha rau củ hữu cơ, VietGAP, tập trung ở vùng có điều kiện đất, nước thuận lợi.
Ngành Nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ nhân rộng các mô hình rau hữu cơ theo hướng “cánh đồng lớn nhỏ gọn”, gắn với truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng và xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị nông sản nội địa và xuất khẩu.
Những năm qua, xã Đak Pơ đã xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Nguyễn Diệp
Chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn tạo nền tảng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai. Từ những mô hình thực tiễn như cà phê EMI, chanh dây hữu cơ hay rau thủy canh, có thể khẳng định rằng: khi có sự đồng hành giữa chính quyền, doanh nghiệp và nông dân, nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn có thể nhân rộng trên quy mô lớn.
Không chỉ là giải pháp trước biến đổi khí hậu và yêu cầu thị trường, sản xuất hữu cơ còn góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng tầm nông sản địa phương.
Một “vành đai xanh” thực sự đang hình thành khu vực Tây Gia Lai, từng bước làm nên thương hiệu nông nghiệp “xanh-sạch-trách nhiệm” cho tỉnh trong thời đại mới.
NGỌC SANG