Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ 18 - 25/7, thành phố ghi nhận 72 ca mắc sốt xuất huyết tại 38 phường, xã tăng gần gấp đôi so với tuần trước (38 ca). Không có trường hợp tử vong.
Một số điểm nóng bao gồm: Tây Hồ ghi nhận 13 ca; Phượng Dực và Hát Môn mỗi nơi 5 ca; Xuân Phương 4 ca; Yên Hòa, Long Biên 3 ca; nhiều phường khác ghi nhận rải rác từ 1–2 ca. Hiện tại, chỉ số côn trùng tại các ổ dịch đang ở ngưỡng nguy cơ cao, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục tăng mạnh do đang bước vào giai đoạn cao điểm hàng năm.
Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 475 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 100/126 phường, xã, giảm so với cùng kỳ năm 2024 (1.408 ca). Trong tuần qua, thành phố ghi nhận thêm 5 ổ dịch tại Tây Hồ (2 ổ), Hát Môn, Vĩnh Tuy và Phượng Dực. Hiện còn 7 ổ dịch đang hoạt động.
Cán bộ y tế của CDC Hà Nội hướng dẫn người dân cách phòng tránh dịch sốt xuất huyết tại cộng đồng.
Ngoài sốt xuất huyết, thành phố cũng ghi nhận nhiều bệnh truyền nhiễm khác có xu hướng gia tăng. Trong tuần, có 88 trường hợp mắc tay chân miệng tại 50 phường, xã giảm nhẹ so với tuần trước (105 ca), tuy nhiên vẫn ở mức cao. Lũy kế năm 2025 đã có 3.293 ca, phân bố tại toàn bộ 126 phường, xã gấp đôi cùng kỳ năm trước. Hiện chỉ còn 1 ổ dịch đang hoạt động tại Vĩnh Tuy.
Bệnh sởi đang có dấu hiệu quay trở lại với 28 ca mắc trong tuần tại 21 phường, xã (tăng 8 ca so với tuần trước). Cộng dồn từ đầu năm, Hà Nội đã ghi nhận tới 4.295 ca sởi, một con số đáng lo ngại so với chỉ 2 ca cùng kỳ năm ngoái. Phân tích dịch tễ cho thấy bệnh nhân trải rộng ở nhiều nhóm tuổi, trong đó có tới 32,9% dưới 1 tuổi, độ tuổi chưa đủ điều kiện tiêm phòng đầy đủ.
Ngoài ra, thành phố ghi nhận thêm 1 ca mắc liên cầu lợn là nam, 38 tuổi, trú tại Phú Nghĩa, làm việc tại xưởng chế biến tóp mỡ và có vết thương hở trong quá trình lao động. Bệnh nhân được chẩn đoán sau khi có kết quả cấy dịch não tủy dương tính. Tổng số ca mắc liên cầu lợn từ đầu năm là 6, không có tử vong.
Hai trường hợp ho gà mới cũng được ghi nhận tại Trần Phú và Hòa Phú, nâng tổng số ca trong năm lên 19, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước (200 ca).
Về tình hình dịch Covid-19, số ca mắc đang có xu hướng giảm với 36 trường hợp mới trong tuần (giảm 32 ca so với tuần trước). Tuy nhiên, cộng dồn từ đầu năm đến nay đã có 2.131 ca, tăng hơn gấp đôi so với năm 2024 (989 ca). Không có trường hợp tử vong được ghi nhận.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, CDC Hà Nội đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế và chính quyền địa phương để tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, khoanh vùng, xử lý kịp thời. Trong tuần, các ổ dịch sốt xuất huyết tại tổ 12 Kiều Mai (Xuân Phương) và thôn Song Khê (Tam Hưng) đã được xác định và đang được theo dõi sát sao.
Thời gian tới, CDC Hà Nội sẽ tiếp tục giám sát các khu vực đang có ổ dịch như Tây Hồ (ngày 28/7), Xuân Phương và Vĩnh Tuy (ngày 29/7), đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho các phường, xã trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Các trạm y tế cơ sở cũng được yêu cầu tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh thông qua hệ thống phần mềm Thông tư 54 và tại cộng đồng, đặc biệt với các bệnh dễ lây như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi và Covid-19.
Song song đó, ngành y tế Thủ đô đang tăng cường kiểm tra chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại các điểm nóng và khu vực nguy cơ cao, đảm bảo phát hiện và dập dịch sớm. Công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt với ngành thú y trong phòng chống bệnh lây từ động vật sang người, cũng được triển khai mạnh mẽ.
Ngoài ra, các đơn vị y tế sẽ đẩy mạnh truyền thông để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch mùa hè, góp phần ngăn chặn dịch bùng phát trên diện rộng.
Ma Thị Kim Thoa