Những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã ghi dấu ấn rõ nét với nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Từ việc tổ chức hiệu quả các hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương trong và ngoài nước, đến hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, Tây Ninh đang từng bước khẳng định vị thế là một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nơi sản phẩm địa phương vươn xa.
Để hiểu rõ về vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trung Chánh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh.
Phóng viên: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật trong hoạt động thương mại nói chung và xúc tiến thương mại nói riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua?
Ông Phạm Trung Chánh: Năm 2024, hoạt động thương mại của tỉnh Tây Ninh tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua các con số tăng trưởng ấn tượng và sự khởi sắc toàn diện trong lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ, xuất nhập khẩu cũng như xúc tiến thương mại.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước đạt 120.562 tỷ đồng, tăng 10,7% so cùng kỳ năm 2023 và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Riêng lĩnh vực xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,65 tỷ USD, tăng hơn 8%, vượt kế hoạch.
Ông Phạm Trung Chánh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh
Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại được tỉnh xác định là đòn bẩy quan trọng. Trong năm, chúng tôi đã tổ chức và tham gia 27 hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước như: Hội chợ Vietnam Expo 2024 tại Hà Nội, Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh, Hội nghị kết nối giao thương giữa Tây Ninh – Đắk Lắk – Trà Vinh, Hội chợ Đặc sản Vùng miền và sản phẩm tiêu biểu các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ - Tây Ninh 2024… Những sự kiện này không chỉ quảng bá thương hiệu sản phẩm Tây Ninh mà còn tạo cơ hội cho doanh nghiệp kết nối đối tác, tìm kiếm thị trường, mở rộng quy mô sản xuất.
Ngoài ra, tỉnh còn cử các đoàn đại biểu cấp cao tham gia xúc tiến mời gọi hợp tác đầu tư, kết nối phát triển thương mại và trao đổi học tập kinh nghiệm tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Campuchia… qua đó giới thiệu tiềm năng và thế mạnh kinh tế của Tây Ninh đến bạn bè quốc tế.
Phóng viên: Để phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp nào nhằm đẩy mạnh hiệu quả xúc tiến thương mại và “gỡ khó” đầu ra cho các sản phẩm chủ lực?
Ông Phạm Trung Chánh: Vừa qua, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch hành động rất cụ thể và toàn diện để tiếp tục phát huy vai trò của xúc tiến thương mại như một “đòn bẩy” thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và thu hút đầu tư.
Thứ nhất, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các cơ quan xúc tiến trong và ngoài nước tổ chức, tham gia các chương trình hội thảo, diễn đàn, hội chợ, hội nghị kết nối giao thương tại các thị trường mục tiêu, trọng điểm. Những sự kiện này sẽ cung cấp thông tin chính sách mới về xuất nhập khẩu, mở ra cơ hội tiếp cận chuỗi phân phối hiện đại cho doanh nghiệp địa phương.
Thứ hai, chúng tôi đẩy mạnh tổ chức hội chợ thương mại quy mô lớn trong tỉnh, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ chuyên ngành tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội để quảng bá sản phẩm và kết nối thị trường.
Thứ ba, chuyển đổi số được xem là hướng đi tất yếu. Sở đang hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng gian hàng, thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử; tổ chức các phiên giao thương trực tuyến giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tiếp cận khách hàng đa quốc gia.
Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng quản trị, marketing, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thiết kế bao bì… giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị sản phẩm.
Một điểm đáng chú ý nữa là việc gắn kết hoạt động thương mại với du lịch. Tỉnh đang khuyến khích mở các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương tại các khu, điểm du lịch, tạo thêm kênh phân phối độc đáo, gia tăng trải nghiệm mua sắm cho du khách.
Doanh nghiệp Tây Ninh tham gia trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại hội nghị kết nối giao thương
Phóng viên: Tây Ninh đặt ra mục tiêu nâng cao kim ngạch xuất khẩu trong năm 2025. Vậy ngành Công Thương có những định hướng, giải pháp nào nhằm hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường quốc tế?
Ông Phạm Trung Chánh: Xuất khẩu là một trong những mũi nhọn kinh tế được tỉnh đặc biệt quan tâm. Chúng tôi triển khai đồng thời nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất và khai phá thị trường mới.
Trước tiên là xúc tiến trực tiếp, tỉnh tích cực mời gọi và tổ chức cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế chuyên ngành, qua đó kết nối trực tiếp với đối tác tiềm năng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất, cải tiến công nghệ để đáp ứng yêu cầu chất lượng của các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, EU…
Tỉnh cũng tăng cường công tác cảnh báo các rủi ro thương mại như điều tra chống bán phá giá, gian lận xuất xứ… để doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, tránh bị động trong giao dịch quốc tế.
Tây Ninh là tỉnh có nhiều cửa khẩu nên một nhiệm vụ quan trọng nữa là phối hợp với các sở, ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn tại cửa khẩu biên giới, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nhất là nông sản, thủy sản, sản phẩm chế biến, phát huy lợi thế kinh tế cửa khẩu- tạo điều kiện kết nối vận chuyển hàng hóa với các tỉnh, thành phố như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Long An.
Chúng tôi cũng đẩy mạnh các lớp tập huấn về pháp luật quốc tế, hiệp định thương mại tự do (FTA), chính sách thuế, hải quan, logistics, từ đó giúp doanh nghiệp tự tin khi tiếp cận thị trường nước ngoài.
Về dài hạn, tỉnh chú trọng thu hút FDI vào chế biến sâu các mặt hàng chủ lực như cao su, tinh bột sắn, hạt điều…, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu chứ không dừng ở gia công đơn giản.
Phóng viên: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị có những kiến nghị gì trong việc thúc đẩy xúc tiến thương mại và phát triển sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh?
Ông Phạm Trung Chánh: Có thể nói, để phát huy hết tiềm năng thương mại của tỉnh, nhất là nhóm sản phẩm chủ lực và OCOP, cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi kiến nghị một số nội dung như:
Tăng cường đầu tư cho xúc tiến thương mại: Cần có nguồn lực ổn định để tổ chức định kỳ các sự kiện lớn tại địa phương như hội chợ đặc sản vùng miền, triển lãm sản phẩm OCOP, từ đó tạo điểm nhấn thương hiệu cho tỉnh.
Hỗ trợ thông tin thị trường xuất khẩu: Các bộ, ngành Trung ương cần đẩy mạnh chia sẻ thông tin cập nhật về thị trường quốc tế, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn nhập khẩu để địa phương định hướng cho doanh nghiệp.
Phát triển thương mại điện tử: Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh tiếp cận, đào tạo, xây dựng gian hàng trên sàn thương mại điện tử uy tín… giúp sản phẩm vươn xa.
Phát triển sản phẩm đặc trưng gắn với du lịch: Tây Ninh đang có tiềm năng lớn để kết hợp thương mại – du lịch – văn hóa. Chúng tôi mong muốn có cơ chế phối hợp giữa ngành thương mại và du lịch để khai thác hiệu quả các mô hình như điểm giới thiệu sản phẩm tại khu du lịch Núi Bà, hồ Dầu Tiếng, Tòa Thánh…
Chính sách hỗ trợ công nghệ sản xuất: Để nâng cao năng suất và giá trị gia tăng, rất cần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ chế biến, bảo quản nông sản hiện đại – đặc biệt là nhóm sản phẩm chủ lực như tiêu, cao su, mãng cầu, bánh tráng, muối tôm…
Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp nông sản: Chúng tôi mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ cho các hợp tác xã, hộ kinh doanh nhỏ khởi nghiệp trong lĩnh vực sản phẩm đặc sản, góp phần lan tỏa văn hóa sản phẩm địa phương và tạo thêm mô hình kinh tế bền vững.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ rất chi tiết và thực tế. Chúc ngành Công Thương tỉnh Tây Ninh tiếp tục bứt phá trong xúc tiến thương mại và phát triển kinh tế trong thời gian tới!
Tiến Phòng