Theo đó, Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư với thời gian thực hiện từ nay tới năm 2027. Tuyến cao tốc này dài gần 51 km, điểm đầu giao Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi (TP HCM), điểm cuối nối quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh).
Trong đó, đoạn cao tốc qua TP HCM chiếm hơn 24 km thuộc địa bàn huyện Củ Chi, với hơn 1.800 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Tổng kinh phí đền bù dự tính hơn 7.100 tỷ đồng, tăng 1.832 tỷ so với khái toán trước đây do áp dụng theo Luật Đất đai mới.
Phần dự án qua Tây Ninh dài 26,317km, kinh phí giải phóng mặt bằng dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng. Đoạn qua Thị xã Trảng Bàng, dài khoảng 11,3km có khoảng 805 hộ, 1.547 thửa bị ảnh hưởng; Huyện Gò Dầu 12,6km với 870 hộ, 1.282 thửa bị ảnh hưởng; Huyện Bến Cầu 2,2km có khoảng 106 hộ, 5 tổ chức, 237 thửa bị ảnh hưởng.
Phối cảnh một đoạn nút giao của Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh, tính đến ngày 30/10, Thị xã Trảng Bàng điều tra kiểm đếm được 759 hộ, 1.065 thửa; Huyện Gò Dầu điều tra, kiểm đếm được 841 hộ, 1.192 thửa; Huyện Bến Cầu điều tra kiểm đếm được 101 hộ, 147 thửa,...
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thực hiện nhiều hoạt động phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh. Đến hiện tại, khối lượng thực hiện đạt khoảng 70%.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh cũng đang tổ chức kiểm tra sản phẩm đo đạc tại công trường tại đoạn đi qua các xã, phường như: phường An Tịnh, phường Lộc Hưng (Thị xã Trảng Bàng); xã Hiệp Thạnh (huyện Gò Dầu); xã Lợi Thuận (huyện Bến Cầu).
Được biết, trong giai đoạn 1, Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài sẽ đầu tư quy mô bốn làn xe; đồng thời xây dựng các công trình trên tuyến, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí, trạm dừng nghỉ... đảm bảo đồng bộ, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Công trình thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc 120 km/giờ.
Giai đoạn này có tổng mức đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng, chia làm 4 dự án thành phần. Trong đó, với dự án thành phần 1 được TP HCM mời nhà đầu tư quan tâm là xây dựng đường cao tốc, tổng mức đầu tư khoảng 10.421 tỷ đồng, thực hiện theo hợp đồng BOT. Vốn nhà đầu tư khoảng 9.943 tỷ đồng chiếm 95,41%; vốn ngân sách Nhà nước (ngân sách TP HCM) khoảng 478 tỷ đồng, chiếm 4,59%.
Trong khi đó, dự án thành phần 2 xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc có tổng mức đầu tư khoảng 2.422 tỷ đồng, theo phương thức đầu tư công. Dự án thành phần 3 và thành phần 4 là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua TP HCM và tỉnh Tây Ninh.
An Vũ