Năm 2024, đối diện với những thách thức, tác động bên ngoài nhưng kinh tế Tây Ninh vẫn phục hồi mạnh mẽ. (Ảnh minh họa)
Tại Tây Ninh, chính quyền tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp. Nhờ sự đồng thuận và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Kinh tế phục hồi
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội của Tây Ninh cũng như cả nước bước bị tác động mạnh từ những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới. Xung đột, rủi ro bất ổn chính trị, kinh tế - xã hội gia tăng trong nhiều khu vực và phạm vi toàn cầu. Thiên tai, tác động biến đổi khí hậu xảy ra liên tục, khó lường…
Tuy nhiên, tỉnh Tây Ninh xác định, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Ngay từ đầu năm, các cấp Chính quyền tỉnh đã tập trung triển khai nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch năm 2024… và đã đạt nhiều thành quả tích cực khi ghi nhận trong 21 chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội, có 19/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước đạt 64.500 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ (KH 2024: tăng 7% trở lên). Tỷ trọng nông - lâm - thủy sản chiếm 18,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm 45%; dịch vụ (chưa tính thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 31,4% trong GRDP. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 4.250 đô la Mỹ…
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,2%, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 37,1%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,65 tỷ đô la Mỹ, vượt 2% so với kế hoạch, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 44.310 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ, đạt 36% GRDP. Các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các giải pháp, chính sách tín dụng hỗ trợ, người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn, lãi suất cho vay và tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn; tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 73.000 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay ước đạt 109.200 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu 1,7% tổng dư nợ (đầu năm 0,83%).
Giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2024 đúng, đủ theo quy định. Công tác quản lý, điều hành và khai thác các nguồn thu ngân sách địa phương được thực hiện chặt chẽ. Ước tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn gần 12.250 tỷ đồng, đạt trên 110% dự toán được giao.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước đạt 64.500 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đặt ra. (Ảnh minh họa)
Đối với vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2024, Tây Ninh được giao 124,612 tỷ đồng. Ước giải ngân đến hết ngày 31/01/2025 là 124,62 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch được giao.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện Kế hoạch hành động về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, các Chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch… Kết quả, thu hút đầu tư trong nước ước đạt 9.374 tỷ đồng, đầu tư nước ngoài ước đạt 455 triệu đô la Mỹ…
Ngoài ra, trong năm 2024, các chính sách về an sinh xã hội chăm lo đời sống cho người dân luôn được quan tâm, nhất là các đối tượng gặp khó khăn, thiếu hoặc mất việc làm. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, không để xảy ra điểm nóng trên khu vực biên giới…
Vượt khó để “về đích”
Bên cạnh những thành quả đạt được, năm 2024, tỉnh Tây Ninh cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua như: Hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước giảm mạnh. Một số dự án đầu tư chậm triển khai thực hiện. Công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án đầu tư công còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ phân bổ vốn nên việc giải ngân chậm đầu năm và dồn về cuối năm.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) chậm được cải thiện. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia còn thấp; vẫn còn tình trạng giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn.
Tình hình tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiều hướng gia tăng, các loại tội phạm lừa đảo diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn mới, tinh vi và ngày càng đa dạng; số vụ cháy tăng so với cùng kỳ; tai nạn giao thông tăng về số vụ và số người bị thương…
Tỉnh Tây Ninh cũng nhận định, 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường, cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro đan xen tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển.
Tuy nhiên, trong nước, tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; các quy định pháp luật mới chuẩn bị có hiệu lực; chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong tỉnh, các ngành, các cấp quyết liệt, nỗ lực thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra từ đầu giai đoạn, nhất là trong việc xác định và tập trung vào các giải pháp mang tính đột phá, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Tây Ninh sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện hiệu quả thu hút đầu tư. (Ảnh minh họa)
Trước những thách thức và cơ hội, tỉnh Tây Ninh đã đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó, tập trung hoàn thành các đồ án quy hoạch đô thị làm cơ sở để nâng loại đô thị, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 50% trở lên. Đề xuất Bộ Chính trị cho chủ trương thí điểm một số cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Phát triển kinh tế tư nhân thực sự là động lực của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng phát triển kinh tế tập thể.
Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả.
Đẩy mạnh cải cách hành chính một cách đồng bộ, toàn diện. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng đào tạo nhân lực các ngành, lĩnh vực trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển.
Trong 21 chỉ tiêu về kinh tế – xã hội, năm 2024, tỉnh Tây Ninh có 08/10 chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch (2 chỉ tiêu chưa đạt gồm: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 36% GRDP, kế hoạch 37% và Chỉ số sản xuất công nghiệp đạt 13,80%, kế hoạch 15%). 8/8 chỉ tiêu văn hóa – xã hội đạt kế hoạch. 03/03 chỉ tiêu môi trường đạt kế hoạch.
Mục tiêu cơ bản tỉnh Tây Ninh trong năm 2025: tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) tăng 8%. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 4.550 đô la Mỹ… Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 0,03 - 0,046%. Có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…
Công Danh