Tây Tạng là vùng dễ xảy ra động đất

Tây Tạng là vùng dễ xảy ra động đất
một ngày trướcBài gốc
Tây Tạng đã hứng chịu một trận động đất mạnh 6,8 độ Richter vào ngày 7/1, một trong những trận động đất mạnh nhất trong những năm gần đây, tấn công vào chân đồi phía bắc của dãy Himalaya, khiến ít nhất 126 người thiệt mạng và 188 người bị thương, san phẳng hàng trăm ngôi nhà.
Các đội cứu hộ tìm kiếm trong đống đổ nát sau trận động đất tại một địa điểm được cho là thành phố Shigatse, Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc, ngày 7/1/2025.
Động đất và nhiệt độ âm
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đưa tin cho biết, ít nhất 126 người đã thiệt mạng và 188 người bị thương ở phía Tây Tạng trong trận động đất xảy ra lúc lúc 9h5 phút sáng 7/1 (8h5 phút cùng ngày theo giờ Việt Nam). Không có báo cáo nào về trường hợp tử vong ở những nơi khác.
Tâm chấn của trận động đất hôm 7/1 nằm cách Núi Everest, ngọn núi cao nhất thế giới, khoảng 80 km về phía bắc. Các trận động đất cũng làm rung chuyển các tòa nhà ở các nước láng giềng Nepal, Bhutan và Ấn Độ.
Tác động được cảm nhận trên khắp vùng Shigatse của Tây Tạng, nơi sinh sống của 800.000 người. Khu vực này được quản lý từ thành phố Shigatse, nơi đặt trụ sở truyền thống của Đức Panchen Lama, một trong những nhân vật quan trọng nhất trong Phật giáo Tây Tạng.
Nhiệt độ trong khu vực đã giảm xuống còn âm 6 độ C vào cuối 7/1 và giảm xuống mức âm 16 độ C trong đêm, khiến nhiều người bị mất nhà cửa trong động đất rơi vào hoàn cảnh khó khăn chồng chất.
Trung tâm mạng lưới động đất Trung Quốc đã xác định được tâm chấn tại quận Tingri, được biết đến là cửa ngõ phía bắc của khu vực Everest, ở độ sâu 10 km. Cơ quan Địa chất Mỹ xác định cường độ trận động đất là 7,1 độ Richter.
Vùng hoạt động địa chấn
Tây Tạng là một vùng có hoạt động địa chấn. Nơi đây đã ghi nhận hơn 100 trận động đất có cường độ ít nhất là 3,0 độ Richter vào năm ngoái. Nhưng động đất có cường độ từ 7,0 độ Richter trở lên rất hiếm, chỉ có 9 trận như vậy kể từ đầu thế kỷ 20.
Tâm chấn trận động đất hôm 7/1 nằm ở Tingri, một huyện nông thôn gần ranh giới nơi mảng kiến tạo Ấn Độ va chạm với mảng Á-Âu, tạo ra các đường đứt gãy dài trên cao nguyên Tây Tạng.
Dưới đây là một số trận động đất đáng chú ý ở Tây Tạng trong những thập kỷ gần đây:
Ngày 1/6/2024, trận động đất với cường độ 5,9 dộ Richter và có tâm chấn ở Nagqu, miền bắc Tây Tạng đã tấn công Tây Tạng. Đây được coi là trận động đất lớn nhất ở vùng này trong năm 2024, nhưng không có báo cáo nào về thương vong hoặc mất mát tài sản do vị trí biệt lập của nơi này.
Tháng 18/11/2017, diễn ra trận động đất với cường độ 6,9 độ Richter có tâm chấn ở Mainling, miền đông Tây Tạng. Đây là trận động đất lớn nhất ở khối Lhasa kể từ năm 1950. Khối Lhasa, được giới hạn bởi các đường đứt gãy, hình thành nên miền nam Tây Tạng. Trận động đất ở Mainling đã gây ra hơn 300 dư chấn, ảnh hưởng đến hơn 12.000 người và làm hư hại gần 3.000 ngôi nhà và có 3 người bị thương.
Ngày 6/10/2008, diễn ra một trận động đất với cường độ 6,6 độ Richter có tâm chấn ở Damxung, miền trung Tây Tạng. Ít nhất 10 người đã thiệt mạng và 34 người bị thương trong trận động đất này. Tâm chấn của nó gần với trận động đất năm 1951.
Ngày 18/11/1951, diễn ra trận động đất mạnh với cường độ 8,0 độ Richter và có tâm chấn ở Damxung, miền trung Tây Tạng. Đây là trận động đất thứ hai có cường độ 8,0 độ Richter trở lên kể từ năm 1950. Nó tạo thành một vết nứt trên mặt đất kéo dài 81 km.
Ngày 15/8/1950, tại Tây Tạng đã diễn ra một trong những trận động đất mạnh nhất được ghi nhận trên toàn cầu trong thế kỷ 20. Trận động đất với cường độ 8,6 độ Richter và có tâm chấn ở Medog, miền đông Tây Tạng. Trận động đất đã phá hủy hàng nghìn ngôi nhà, đền thờ và nhà thờ Hồi giáo và giết chết hơn 3.000 người ở Tây Tạng và hơn 1.000 người ở Assam, Ấn Độ. Ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, núi đã dịch chuyển và cảnh quan bị thay đổi. Một số đỉnh núi sụp đổ, chặn sông Yarlung Zangbo và lở đất đã nhấn chìm các ngôi làng xuống sông.
Hà Anh (theo Reuters, Tân Hoa Xã)
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tay-tang-la-vung-de-xay-ra-dong-dat-10297945.html