Tây Yên Tử, giữa hai bờ hư thực

Tây Yên Tử, giữa hai bờ hư thực
4 giờ trướcBài gốc
Hôm ấy, cuối đông hơn tháng rồi mà tôi có cảm giác như đang giữa tiết thu. Một lớp sương mỏng như lam khói khẽ khàng buông phủ gần xa. Và chẳng phải đợi lâu hơn, nắng lên ánh một sắc vàng dịu dàng như hoa cúc gần gũi suốt dọc chặng đường rộng rãi, bằng phẳng từ TP Bắc Giang lên Sơn Động. Trước mắt tôi bây giờ đã nhấp nhô những đỉnh non cao Yên Tử cùng các công trình đẹp đẽ, hoàn thành như cổng Quảng trường Trung tâm mang dáng dấp Hoàng thành Thăng Long nghìn năm lịch sử, chùa Hạ, chùa Thượng..., hay đang thi công như tháp chuông bằng gỗ lớn nhất Đông Nam Á. Đơn vị đầu tư là Công ty cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử.
Quang cảnh lễ khai hội xuân Tây Yên Tử. Ảnh: Ngọc Anh.
Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc vận hành Công ty vui vẻ tiếp chúng tôi. Chị cho biết, Công ty thành lập vào năm 2014 và đến năm 2020 đã quyết định đầu tư xây dựng quần thể mang tính tâm linh này tại thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu thuộc huyện vùng cao Sơn Động nằm dưới chân Tây Yên Tử. Theo như chị Ngân nói và chúng tôi cũng hết sức tâm đắc là thông qua công trình này con đường “Hoằng dương Phật pháp” của Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ được tái hiện. Đúng vậy, nếu như Đông Yên Tử là nơi Trần Nhân Tông tu tập để nhập Niết bàn thì Tây Yên Tử là con đường mở rộng ra để truyền bá những lời dạy hay giáo lý của Đức Phật do Ngài và các đệ tử thực hiện.
Tổ đệ nhị Pháp Loa và Tổ đệ tam Huyền Quang, hai đồ đệ thân tín của Phật hoàng Trần Nhân Tông đã theo con đường phía Tây thực hiện Phật sự của Thiền phái Trúc Lâm. Vào thời Trần, ở mạn Bắc Giang nhiều chùa tháp được mở mang, xây dựng như Vĩnh Nghiêm, Am Vãi, Yên Mã, Hồ Bấc, Bình Long, Hòn Tháp, Đồng Vành... Điểm chung của các chùa thời này là tựa lưng vào núi đồi, mặt hướng ra suối và thường nằm xa khu dân cư.
Không kịp nghĩ tới điều ấy nhưng tựa như duyên lành, hôm chúng tôi lên Tây Yên Tử lại đúng vào ngày giỗ của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ở chùa Hạ tôi thấy có nhiều phật tử đang nghiêm trang ngồi đọc kinh. Thật may mắn cho tôi, một người con từ miền Trung xa xôi vượt chặng đường gần 700 cây số để được đến Tây Yên Tử và thắp hương tưởng nhớ Ngài đúng ngày linh giỗ. Trần Nhân Tông là một Đức Vua hiền tài, vị Phật Việt tỏa sáng, cũng là thi nhân nổi tiếng. Ngài có bài thơ Nguyệt (Trăng) tôi rất thích và đã thử bình thi phẩm ấy.
"Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,/ Lộ trích thu đình dạ khí hư./ Thủy khởi châm thanh vô mịch xứ,/ Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ" được nhóm Lê Quý Đôn dịch ra tiếng Việt: "Bên song đèn rạng sách đầy giường,/ Khí lạnh đêm thu đượm giọt sương./ Thức dậy tiếng chày đà lặng ngắt,/ Trên chùm hoa mộc nguyệt lồng gương". Bài thơ được Trần Nhân Tông viết ra từ thế kỷ XIII bây giờ đọc ngẫm còn lắng đọng tình đời nhiều lắm. Cái chất lãng mạn Tây Yên Tử qua những biến thiên dữ dội của thời cuộc vẫn chẳng khuyết vơi mấy có lẽ một phần được kết gắn với tên tuổi của Trần Nhân Tông chăng.
Như là sự hội tụ thiên - địa - nhân ở một vùng đất quyện hòa danh thắng - lịch sử - thi ca. Chất huyền ảo man mác bao la trong Tây Yên Tử có từ bao truyền thuyết tỏ mờ gắn với Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông và cả những gì đó rất đời thường nữa. Ví như cái cách người ta truyền tụng về nhan sắc nổi trội của con gái bản Mậu với câu chuyện thừa kế gen mỹ nhân của các cung tần về trú ngụ ở đây từ tám thế kỷ trước. Tuy rằng, dân dã thường mộc mạc khi diễn đạt “Nếp làng Gà, đàn bà bản Mậu”, thế mà cũng gọi mời được không ít đấng nam nhi tìm đến nơi này.
Tây Yên Tử. Tôi nghĩ, chính cái chất lãng mạn trữ tình ít nhiều được đan dệt luyến láy như thế cũng là một lợi thế không nhỏ cho du lịch. Nhưng đó cũng chỉ là những đường viền lấp lánh mà thôi. Cái cốt lõi và xuyên suốt của miền đất này chính là danh thắng và tâm linh. Danh thắng thuộc về những cánh rừng nguyên sinh đầy hoa thơm cỏ lạ, non cao suối mát, đèo cao lũng thấp thánh thót tiếng họa mi. Đến một cái giếng nước trong, một hòn đá “đàn bà” cũng bắt vào nhan sắc và sự phồn sinh chấp chới của phái đẹp. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ thì nhân vật lịch sử văn hóa Trần Nhân Tông - Thiền phái Trúc Lâm mới là “hạt nhân” của những dự án quy hoạch, phác thảo thiết kế cho các công trình ở đây.
Hùng vĩ sườn Tây Yên Tử. Ảnh: Việt Hưng.
Giám đốc Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết rằng Công ty đã chọn người thiết kế là kiến trúc sư nước Nhật. Tôi nối lời, như vậy là chuẩn xác bởi người Nhật luôn chọn cái tinh túy, ưa tối giản, ít rườm rà trong kiến trúc, văn chương, mỹ thuật... Mấy năm qua, dù quần thể thắng cảnh tâm linh Tây Yên Tử chưa hoàn thành nhưng cũng đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái.
Giám đốc Ngân cho biết: Năm 2019 dự án bắt đầu vận hành đã thu hút khoảng 150 nghìn du khách đến với Tây Yên Tử; năm 2021 có khoảng 23 nghìn và năm 2023 tăng vọt lên 300 nghìn người đến đây. Đông nhất là vào dịp lễ khai hội xuân Tây Yên Tử mở ra từ ngày 12 tháng Giêng ta. Cảnh xuân hùng vĩ và lộng lẫy của vùng đất cùng triết lý nhân sinh "Cư trần lạc đạo" của Sơ tổ Phật hoàng được gửi gắm trong từng công trình đã thu hút nhiều người hành hương về Tây Yên Tử vốn đã được coi như là cái nôi thiêng của Phật Việt. Ý rằng: Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo. Đói thì ăn, mệt thì ngủ. Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác. Đối diện với cảnh mà vô tâm thì chẳng cần hỏi thiền chi nữa.
Du lịch đang trở thành mũi nhọn trong kế hoạch phát triển kinh tế của vùng đất này. Đương nhiên rồi. Khi chúng tôi đến làm việc với chính quyền thị trấn Tây Yên Tử, Bí thư Đảng ủy thị trấn Trần Ngọc Kiên và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị trấn Phạm Văn Hảo đã trao đổi nhấn mạnh: “Quần thể Tây Yên Tử là một lợi thế của địa phương, ở đây đã hình thành và đang hoàn thiện khu du lịch tâm linh - sinh thái như các anh chị đã thấy.
Trước hết, chúng tôi phải làm thật tốt việc giữ gìn bảo tồn rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ để cho du khách được trải nghiệm thiên nhiên một cách đầy đủ nhất. Ngoài ra, cũng chú trọng phát triển các ngành khác như chế biến gỗ, làm ra các sản phẩm từ gỗ; phát triển trồng và chế biến dược liệu từ các loại cây thuốc quý ở đây như ba kích, dành dành, sâm nam, kim tiền thảo...”. Thị trấn Tây Yên Tử phát triển 3 loại cây lâm nghiệp, dược liệu, cây ăn quả; 2 loại con là đại gia súc (bò, ngựa, dê...) và gà.
Nói thêm một chút về gà Sơn Động. Lên Tây Yên Tử trong bữa cơm trưa được Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lê Đức Thắng mời, chúng tôi được thưởng lãm món ngon nhớ đời là thịt gà Sơn Động. Nhân đây cũng nói luôn rằng, Sơn Động không chỉ có gà đâu nhé. Nhiều sản phẩm ở đây đã lừng danh từ xưa, đang được bà con ta đầu tư sản xuất trở thành sản phẩm OCOP. Về xã Tuấn Đạo, qua trò chuyện với các anh Nguyễn Văn Phòng, Bí thư Đảng ủy và Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã chúng tôi được biết địa phương này đã có hẳn 3 sản phẩm OCOP là mật ong rừng 3 sao, miến dong 100% nguyên chất và hương nến Bồng Am làm ra từ nhựa trám và cây hương bài.
Khi về làm việc với hai xã Đại Sơn và Vĩnh An để rà soát lại việc thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động Lê Đức Thắng mời mấy anh em nhà văn, nhà báo theo luôn. Tôi thật sự cảm tình với cách làm việc ngắn gọn, sâu sát đi thẳng vào vấn đề của ông Lê Đức Thắng. Qua đây, chúng tôi thấy được nỗ lực rất lớn của Sơn Động cũng như những khó khăn không ít của họ. Đến bây giờ Sơn Động vẫn là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Bắc Giang. Kết cấu hạ tầng rất cần được đầu tư mạnh mẽ trong những năm tới. Nhưng giữa hai bờ hư thực tôi vẫn tin rằng giấc mơ về một Tây Yên Tử tươi sáng, giàu đẹp sẽ sớm trở thành hiện thực trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên đất nước vươn mình mạnh mẽ trong con đường đi tới tương lai.
Bút ký của Nguyễn Hữu Quý
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/bg2/tin-trong-tinh/tay-yen-tu-giua-hai-bo-hu-thuc-postid413061.bbg