Sol úp điện thoại xuống để không phải nhìn vào những thông báo đang nhảy liên tục. Ping. Ping. Quai hàm cậu nghiến chặt, đặt điện thoại về chế độ im lặng. Rồi ném nó xuống gầm giường. Sol cố gắng lôi sự tập trung trở lại bài tập. Cậu viết thêm được hai câu nữa. Nhưng vô ích. Tâm trí cậu hoàn toàn rối loạn. Cậu lại nhặt điện thoại lên và vào TikTok, chỉ để tìm chút gì đó giải trí nhẹ nhàng, vui vẻ. Rồi cậu sẽ quay lại làm bài.
Nhưng rồi thêm 30 phút nữa trôi qua mà chẳng rặn thêm được chữ nào. Sol cảm thấy buồn nôn.
Ảnh minh họa. Nguồn: BBC News.
Liệu có cách nào nói chuyện với mẹ về điều này không? Không phải về Ed, cậu không biết phải bắt đầu từ đâu và cũng không phải vấn đề của mẹ, mà là về việc cậu không thể ngừng kiểm tra mạng xã hội, chìm đắm trong cơn nghiện TikTok, cứ trì hoãn và chẳng bao giờ bắt đầu làm bài được? Có gì đó không ổn với cậu chăng? Dường như khả năng tập trung của cậu chỉ ngang với một con ruồi. Cậu cảm thấy nghiện, cậu biết rằng mình nên tiết chế nhưng lại không thể.
Chuyện này thực sự đáng sợ. Như thể có thứ gì đó chiếm lấy tâm trí cậu, khiến cậu chẳng thể kiểm soát hành động của mình. Phải khó đến mức nào để cất điện thoại đi khuất tầm mắt nhỉ? Hay là tắt hẳn nguồn đi? Thực sự chỉ cần cử động một ngón tay thôi mà!
Mẹ cậu là một nhà tâm lý học. Bà luôn nói về những chiến lược đối phó tích cực và cách bạn có thể thay đổi phương thức tâm trí hoạt động.
Sol đi xuống cầu thang. Mẹ đang ngồi trước máy tính xách tay, tivi thì đang bật. “Chào người lạ”, bà nói mà không ngước lên. “Ổn chứ con?”
“Mẹ, con cần giúp đỡ.”
“Được thôi con. Có chuyện gì vậy?” Mẹ ngước lên, chăm chú lắng nghe theo cái cách “mẹ đang thực sự nghe con đây” mỗi khi có ai đó cần bà.
“Chỉ là con không thể tập trung...” Nhưng rồi điện thoại của mẹ báo tin nhắn. Bà nhìn vào nó rồi nhặt điện thoại lên bằng một động tác mượt mà, thuần thục.
“Xin lỗi con yêu, để mẹ xử lý chuyện này đã. Có thể nó quan trọng. Chuyện công việc mà.”
Chà, tất nhiên rồi, chuyện công việc. Quan trọng hơn là lắng nghe con trai mình sao? Vậy ai mới là người có thói quen giao tiếp không lành mạnh, não bộ bị nghiện kết nối xã hội?
Sol quay người và đi lên cầu thang.
Chuyện gì xảy ra trong cảnh vừa rồi vậy?
Rất nhiều thứ! Bạn có thể nhận thấy:
Sự thôi thúc phải giao tiếp liên tục.
Việc lạm dụng màn hình và cảm giác “nghiện” thiết bị công nghệ xảy ra dễ dàng như thế nào.
Sự sao nhãng và sức mạnh gây trì hoãn của mạng xã hội.
Khó khăn khi cố gắng làm nhiều việc cùng lúc.
Hành vi đám đông, chạy theo số đông và áp lực đồng trang lứa.
Vấn đề này không chỉ xảy ra với tuổi mới lớn mà cả người lớn cũng gặp phải.
Những hành vi này bắt nguồn từ cách bộ não con người được “kết nối”. Và chính cách kết nối đó khiến những hành vi này rất khó tránh khỏi. Bạn sẽ khám phá ra tại sao đây có thể là một vấn đề lớn hơn đối với tuổi mới lớn, mặc dù người lớn cũng chịu ảnh hưởng.
Được lập trình để say mê màn hình thiết bị?
Bộ não của chúng ta được kết nối – nói cách khác là được lập trình – theo một số cách nhất định. Và cơ chế hoạt động này gần như không hề thay đổi từ thời tổ tiên săn bắt hái lượm của chúng ta hàng trăm nghìn năm trước.
Bộ não con người được lập trình cho nhiều hành vi, nhưng có ba hành vi đặc biệt liên quan đến chủ đề sử dụng màn hình và mạng xã hội. Chúng ta được lập trình để:
Giao tiếp xã hội – Người tiền sử sẽ an toàn và thành công hơn khi sống theo nhóm. Họ chia sẻ thông tin và cộng tác săn bắt, dựng lều trại, nuôi dạy con cái, chăm sóc lẫn nhau khi ốm đau. Ngày nay, chúng ta vẫn hưởng lợi từ tình đoàn kết với mọi người để được hỗ trợ, hợp tác, kết bạn và có những khoảng thời gian vui vẻ. Sinh học tự nhiên thúc đẩy chúng ta luôn mong muốn được kết nối với xã hội.
Hiếu kỳ - Người tiền sử cần phải tò mò về cách chế tạo công cụ tốt hơn hay nơi trú ẩn an toàn hơn, ấm áp hơn, hoặc tự hỏi liệu có một nơi ở tốt hơn phía bên kia con sông hay có nhiều thức ăn hơn ở vùng núi xa. Ngày nay, sự tò mò giúp chúng ta học hỏi các kỹ năng và kiến thức.
Phân tâm - Một người tiền sử cần phải bị thu hút bởi bất kỳ chuyển động đột ngột nào vì đó có thể là kẻ săn mồi hoặc kẻ thù. Bộ não “dễ phân tâm” từng là bộ não thành công! Ngày nay, sự phân tâm giúp ta tỉnh dậy, nhận ra vấn đề hoặc mối đe dọa, giữ cho ta luôn cảnh giác.
Màn hình của các thiết bị được thiết kế rất khéo léo để cung cấp cho chúng ta cơ hội được liên tục giao tiếp xã hội, thỏa mãn sự hiếu kỳ và cả dễ... bị phân tâm. Chúng ta cứ làm như vậy suốt cả ngày!
Chúng ta cảm thấy bị thôi thúc phải kiểm tra thiết bị của mình “thêm một lần nữa”. Đó là hệ thống tưởng thưởng trong não, tạo ra những thói quen vô cùng khó bỏ. Chúng ta yêu thích các thiết bị của mình và không muốn tắt chúng vì mỗi lần sử dụng, hệ thống tưởng thưởng của não bộ lại được kích hoạt, thúc đẩy các hành vi gây nghiện.
Nicola Morgan/NXB Trẻ