Chị Thúy Bích, một khách hàng ở Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) là khách hàng quen thuộc của trang mua sắm này cho biết, hiện chị vẫn còn 2 đơn hàng trễ ngày giao nhưng không cách nào liên hệ được. Chị nhắn vào nút giao hàng trên trang thì thông báo sẽ giao hàng sớm.
Theo chị Bích, đơn hàng của chị có giá trị gần 1 triệu đồng, theo lịch đã phải giao từ hôm 29/11 nhưng việc giao trễ không nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía Temu.
Điều đáng nói, cách đây 2 ngày (ngày 2/12) chị Bích vào trang Temu Tiếng Việt như hàng ngày, thì giật mình khi trang này chuyển hoàn toàn về tiếng anh. Sự việc này, khiến chị hoang mang, vì trước đó 5 đơn hàng đều chưa bao giờ trễ hẹn.
Temu vào Việt Nam hồi đầu tháng 10 năm nay (Ảnh minh họa).
Tương tự, lịch giao hàng dự kiến là 13-15/11, tuy nhiên, đến nay, anh Nguyễn Minh Chiến (Ngọc Lâm, Gia Lâm, Hà Nội) vẫn chưa nhận được hàng.
Theo anh Chiến, vào ứng dụng Temu, sàn này hiển thị thông tin gói hàng có thể bị mất và người mua có thể hoàn lại tiền, thế nhưng nửa tháng nay anh vẫn chưa nhận được tiền hoàn.
Ghi nhận trên website của Temu, các giao dịch cũng như các chương trình, chính sách thưởng hoa hồng của Temu đối với Affiliate Marketing không còn.
Trước tình trạng trên, trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, Temu vẫn chưa được cấp phép hoạt động TMĐT tại Việt Nam, hiện đang trong quá trình rà soát theo quy định.
Được hỏi về việc "đóng băng" giao dịch đột ngột, theo vị này, Bộ Công thương đã yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trên nền tảng tiếng Việt tại Việt Nam cần tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Bộ Công thương cũng đã khuyến cáo người dân tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Bởi lẽ, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa hoàn thiện nghĩa vụ đăng ký, cấp phép tại Việt Nam theo quy định sẽ không chịu sự giám sát từ cơ quan chức năng về chất lượng hàng hóa hay cam kết về dịch vụ hậu mãi.
Trong trường hợp giao dịch phát sinh vấn đề không mong muốn, người tiêu dùng có nguy cơ đối mặt một số khó khăn. Chẳng hạn, khi nhận được sản phẩm không đúng như mô tả, phát sinh lỗi, hỏng; có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe... người tiêu dùng yêu cầu hoàn trả hoặc bảo hành sản phẩm sẽ trở nên khó khăn.
Thậm chí, khi xảy ra tranh chấp, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa đăng ký sẽ không thuộc diện phải chịu trách nhiệm pháp lý trong nước...
Hồng Hạnh