Tên gọi quê hương viết bằng lịch sử, giữ bằng lòng dân

Tên gọi quê hương viết bằng lịch sử, giữ bằng lòng dân
11 giờ trướcBài gốc
Hải Dương là vùng đất nổi tiếng về truyền thống hiếu học. Trong ảnh: Chiều 16/3/2025, 60 học sinh Trường Tiểu học Cẩm Điền và Cẩm Phúc (cùng xã Phúc Điền) được Ban chủ khảo dẫn vào trường thi "Trạng nguyên nhỏ tuổi" tại Văn miếu Mao Điền
Trong hành trình kiến tạo một nền hành chính tinh gọn, hiện đại và hiệu lực, có những nội dung tưởng như thuần túy về kỹ thuật tổ chức bộ máy, nhưng lại chạm đến tầng sâu nhất của văn hóa, ký ức và tình cảm cộng đồng. Việc đặt lại tên các xã, phường sau sáp nhập chính là một công việc như vậy - nơi mỗi người dân không chỉ có quyền, mà còn có trách nhiệm gửi gắm lòng tự hào, cội nguồn văn hóa và khát vọng phát triển.
Tên đất - nơi khắc ghi trí nhớ quê hương
Tên làng, tên xã từ ngàn đời vốn không đơn thuần là cách định danh hành chính. Đó là nơi in dấu bước chân tổ tiên, nơi lưu giữ những tầng ký ức thiêng liêng, là chất keo gắn kết cộng đồng, là lời giới thiệu danh dự của mỗi vùng đất với mai sau.
Hải Dương - vùng đất “địa linh nhân kiệt”, là một trong những tỉnh giàu truyền thống văn hóa bậc nhất cả nước. Từ Ninh Giang - nơi gắn liền với công lao Khúc Thừa Dụ, người mở đầu thời kỳ tự chủ dân tộc; đến Chí Linh - nơi Nguyễn Trãi từng ẩn cư, để lại di sản tư tưởng “nhân nghĩa thắng hung tàn”; từ Cẩm Giàng - quê hương Thiền sư Tuệ Tĩnh, ông tổ ngành Nam dược, đến Văn Miếu Mao Điền - nơi tôn vinh hàng trăm bậc hiền tài đất Việt... Mỗi địa danh là một lớp trầm tích văn hóa, là biểu tượng của sự trường tồn.
Không phải ngẫu nhiên mà dân gian có câu: “Tên làng còn - làng còn”. Một cái tên tưởng nhỏ bé nhưng giống như căn cước văn hóa của cả một cộng đồng. Một xã, một phường khi có cái tên đúng là có cả hồn đất, tình người.
Đặt tên mới là định danh cho tương lai
Việc đặt tên xã, phường mới sau sáp nhập, xét về mặt hành chính, là bước tất yếu trong tổ chức bộ máy. Nhưng xét từ chiều sâu văn hóa là cuộc tái định danh tinh thần cho một vùng đất.
Trong đợt góp ý trước, một số tên gọi mang tính kỹ thuật như “Tứ Kỳ 1”, “Gia Lộc 3”, “Thanh Hà 4”... tuy thuận tiện cho phân vùng, nhưng đã bộc lộ những hạn chế: không phản ánh được bản sắc, không khơi gợi ký ức hay tình cảm của người dân. Sự thiếu gắn bó về mặt cảm xúc chính là trở ngại lớn đối với việc hình thành sự đồng thuận và ổn định lâu dài.
Tên gọi không chỉ để quản lý, mà phải có khả năng nuôi dưỡng niềm tự hào, kết nối truyền thống và dẫn lối cho tương lai. Mất đi một cái tên giàu giá trị văn hóa cũng giống như đánh mất sợi dây nối liền con người với quê hương trong tiềm thức.
Tri ân quá khứ - Gieo mầm tương lai
Mỗi tên gọi truyền thống được giữ lại, hoặc tên mới được chọn một cách cẩn trọng, chính là cách để tri ân với quá khứ, với những thế hệ đã gìn giữ đất đai, xây dựng bản sắc và hun đúc nên tinh thần vùng đất.
Một phường mang tên Nguyễn Trãi không chỉ là sự tôn vinh bậc đại trí, mà còn là lời nhắc nhở về sự chính trực, nhân nghĩa. Một xã mang tên Chu Văn An là nơi để hậu thế khơi lại phẩm cách liêm khiết và tinh thần phụng sự giáo dục của bậc Thầy xưa.
Những cái tên được viết bằng lịch sử, được chọn bằng lòng dân sẽ sống mãi như một lời hứa của thế hệ hôm nay với thế hệ mai sau.
Tôn trọng đa dạng ý kiến, quyết định bằng bản lĩnh và tầm nhìn
Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, việc có nhiều ý kiến khác nhau là điều bình thường, là dấu hiệu của một xã hội dân chủ, năng động và có trách nhiệm. Tuy nhiên, chính trong sự phong phú ấy, vai trò của các cấp ủy, chính quyền là phải thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ và cái nhìn tổng thể.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương xác định: tên gọi xã, phường mới không thể chỉ là sự sắp xếp số học. Mỗi cái tên phải hài hòa giữa chiều sâu văn hóa, truyền thống địa phương, cảm xúc cộng đồng và tính khả thi trong quản lý nhà nước.
Do đó, đợt lấy ý kiến lần hai này không chỉ là thủ tục mà là một đợt tiếp xúc sâu sắc giữa chính quyền và nhân dân. Từng ý kiến đóng góp đều được trân trọng lắng nghe, từng phương án được thẩm định kỹ lưỡng. Mục tiêu cuối cùng là đạt được sự đồng thuận xã hội cao nhất trên nền tảng vững chắc của lý trí và lòng dân.
Tất nhiên không thể đủ tên danh nhân, tên vùng đất văn hóa, lịch sử tiêu biểu để thỏa mãn cho tất cả tên xã, phường. Vả lại, nhiều xã, phường của Hải Dương cũng có những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa với Hải Phòng song không được trùng tên khi hợp nhất. Trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang diễn ra hết sức khẩn trương, cần sự quyết đoán trên tinh thần chọn được tên gọi phù hợp tối đa, được đa số người dân đồng tình ủng hộ.
Tên gọi hôm nay - di sản của ngày mai
Một cái tên, nếu được lựa chọn đúng, sẽ trở thành biểu tượng sống động, lan tỏa qua từng câu chuyện, ghi dấu trên từng nẻo đường, hiện diện trong mỗi sự kiện văn hóa - lịch sử của địa phương.
Hãy thử hình dung: một sản phẩm OCOP mang tên Phượng Hoàng, một lễ hội gắn với Văn Miếu Mao Điền, hay một tour du lịch qua các làng nghề Đông Giao, Xuân Nẻo... Tất cả sẽ mang theo chiều sâu văn hóa, tạo dấu ấn khác biệt, thúc đẩy kinh tế địa phương một cách bền vững và tự hào.
Một cái tên nếu có hồn, có ký ức sẽ trở thành "tài sản mềm" quý giá cho quê hương, một nhãn hiệu văn hóa đặc thù giữa muôn vàn miền đất nước.
Hãy gọi đúng tên quê
Hải Dương là vùng đất trọng đạo, trọng chữ, trọng truyền thống. Trong hành trình đặt lại tên quê, niềm tin được đặt trọn vào nhân dân, vào tình yêu xứ sở, vào sự tinh tế và trách nhiệm của mỗi người dân xứ Đông.
Hãy cùng nhau chọn lấy những cái tên xứng đáng, không chỉ để gọi, mà để nhớ, để thương, để tự hào. Nên tránh tư tưởng cục bộ địa phương, suy bì tị nạnh trong chọn tên cho xã mới. Một phương án dù hay đến đâu cũng không thể thỏa mãn hết tất cả mọi người. Khi chọn được những tên gọi đáp ứng được lòng dân sẽ không phai theo thời gian, không mờ theo thế cuộc, mà sẽ sống cùng thế hệ, tiếp sức cho tương lai.
Tên gọi quê hương, nếu được viết bằng lịch sử, giữ bằng lòng dân sẽ sống mãi như một lời chào thiêng liêng giữa trời đất, một ngọn lửa âm ỉ nhưng không bao giờ tắt trong trái tim những người con đất Việt.
MINH HẢI
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/ten-goi-que-huong-viet-bang-lich-su-giu-bang-long-dan-410101.html