Trong quá trình cải cách hành chính sâu rộng hiện nay tại Việt Nam, một trong những bước đi quan trọng là việc sáp nhập các tỉnh, bỏ chính quyền cấp huyện và điều chỉnh tên gọi các thành phố. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này, nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng hiệu quả quản lý, và nâng cao năng lực tích hợp và sức mạnh cộng hưởng của các tỉnh sáp nhập. Tuy nhiên, có một lo ngại sâu sắc về việc mất đi tên gọi của các thành phố lớn, vốn không chỉ là đơn vị hành chính mà còn là biểu tượng văn hóa, lịch sử, thương hiệu du lịch, kinh tế và giao thương quốc tế và trong nhiều trường hợp đại diện cả hình ảnh quốc gia, vốn đã được dày công nhiều thế kỷ mới xây dựng được.
Bài viết này góp ý về việc nên chăng cần giữ nguyên tên gọi các đô thị lớn, cụ thể là các thành phố - thương hiệu đã được thành lập, dù có sự thay đổi về cấu trúc hành chính, để gìn giữ các giá trị vô hình to lớn này và tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh mới.
Mỗi thành phố của Việt Nam đều có lịch sử dài lâu, giàu truyền thống và là những tài sản văn hóa quý giá của quốc gia. Tên gọi của các thành phố này không chỉ là danh xưng hành chính mà còn là biểu tượng của niềm tự hào văn hóa và lịch sử.
Các tên thành phố này đã in sâu trong tâm trí người dân, từ những người đã sinh ra và lớn lên tại đây cho đến những ai đã từng một lần ghé thăm. Việc thay đổi tên gọi có thể làm mất đi sự gắn bó cảm xúc của người dân với mảnh đất này. Có tên thành phố nếu được sử dụng lại còn cho thấy một tinh thần hòa hợp hòa giải mà không tiền bạc nào mua nổi.
Du khách tham quan Chùa Cầu (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Trung Dũng
Thương hiệu quốc gia và lợi ích kinh tế, du lịch
Các thành phố lớn không chỉ là trung tâm hành chính, mà còn là thương hiệu du lịch và kinh tế của Việt Nam. Có nơi là trung tâm kinh tế năng động, nơi là cửa ngõ giao thương và di sản văn hóa; nơi được ví như các thành phố lừng danh ở châu Âu, có nơi chỉ cần nghe tên thì du khách quốc tế đã muốn đến vì được xếp hạng là một trong những bãi biển đẹp nhất của Việt Nam và thế giới, và cũng có địa danh nổi tiếng lâu đời gắn với cảng chiến lược tầm cỡ toàn cầu... Tên tuổi của nhiều thành phố đã đi vào lịch sử văn hóa, văn học nghệ thuật thế giới, mang đến hình ảnh mạnh mẽ về một đất nước hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, văn hóa và phát triển.
Nếu xét ở khía cạnh du lịch, có các thành phố thu hút hang triệu lượt du khách đến từ trong nước lẫn quốc tế. Hình ảnh các thành phố đóng vai trò quan trọng trong quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới. Việc thay đổi tên gọi có thể gây ra sự nhầm lẫn và ảnh hưởng đến việc quảng bá du lịch, làm mất đi một phần sức hút tự nhiên của các địa phương- tên gọi này(*).
Về kinh tế: Các thành phố lớn không chỉ là đầu tàu kinh tế, mà còn là điểm nút giao thương quan trọng trong khu vực và quốc tế. Việc giữ nguyên tên gọi giúp duy trì sự ổn định trong môi trường đầu tư, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tên gọi của các thành phố này đã trở thành biểu tượng không thể thay thế trong lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế. Việc giữ lại những tên gọi quen thuộc sẽ giúp duy trì sự ổn định trong môi trường đầu tư, cũng như tiếp tục phát huy vị thế thương hiệu của các thành phố này.
Vì vậy, các thành phố lớn cũng là gương mặt đại diện cho Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Thay đổi tên gọi hay bỏ đi có thể làm suy yếu hình ảnh quốc gia trong các mối quan hệ quốc tế.
Tháp Bà Ponagar là điểm tham quan lịch sử - văn hóa nổi tiếng bậc nhất của thành phố biển Nha Trang. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Ba giải pháp, bốn lợi ích
Về giải pháp, thứ nhất, giữ nguyên tên gọi cho các thành phố lớn dưới hình thức đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh, thành phố.
Thứ hai, xây dựng quy chế công nhận "thành phố trực thuộc tỉnh" cho các đô thị trọng điểm, với các quy định riêng biệt về quản lý, phát triển đô thị và ngân sách tự chủ.
Thứ ba, khuyến khích các đô thị lớn duy trì chức năng đặc biệt, với các chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, giáo dục và văn hóa. Các thành phố có thể giữ vai trò là mô hình phát triển đô thị tại Việt Nam.
Về lợi ích, đầu tiên, việc giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa của từng thành phố, đồng thời bảo vệ những giá trị vô hình mà các thành phố này đã tích lũy qua nhiều thế kỷ.
Thứ hai là thúc đẩy du lịch và đầu tư quốc tế, khi các thành phố này vẫn giữ được thương hiệu quốc gia mạnh mẽ, góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền và người dân, khi người dân cảm thấy rằng những di sản và ký ức của họ được tôn trọng và bảo vệ trong các chính sách cải cách.
Thứ tư, tăng cường sự ổn định hành chính và hiệu quả quản lý đô thị, khi các thành phố lớn tiếp tục giữ được vai trò đặc biệt trong quản lý và phát triển đất nước.
TS Lê Vĩnh Triển (ĐH Kinh tế TP.HCM)
______________________
(*) Bài không nhắc đến tên thành phố nào để tránh thiên vị. Trong trường hợp chọn giữ lại thì nên là việc trưng cầu ý kiến của toàn dân và giới chuyên môn, ví dụ như việc so sánh giá trị thương hiệu của một thành phố sẽ đáng được tham khảo).