Tên lửa đánh chặn Patriot: 'Lá chắn' được săn lùng giữa làn sóng xung đột toàn cầu

Tên lửa đánh chặn Patriot: 'Lá chắn' được săn lùng giữa làn sóng xung đột toàn cầu
10 giờ trướcBài gốc
Hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ khai hỏa. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ The Kyiv Post, Patriot – hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất – nằm trong số rất ít công nghệ hiện nay có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Loại khí tài này ngày càng đóng vai trò quan trọng tại những khu vực đang hứng chịu các cuộc tấn công bằng tên lửa, trong đó có Ukraine, Israel và các điểm nóng khác tại Trung Đông.
Tờ New York Times cho hay tính đến năm 2025, Ukraine đã tiếp nhận khoảng tám tổ hợp Patriot. Đây là số lượng chỉ đủ để bảo vệ một khu vực hạn chế. Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu đối với hệ thống tên lửa đánh chặn ngày càng tăng, dẫn đến áp lực lớn lên chuỗi cung ứng.
Khác với tên lửa hành trình bay thấp và theo quỹ đạo ổn định nhờ động cơ phản lực, tên lửa đạn đạo được phóng lên không trung bằng tên lửa đẩy, rồi quay trở lại Trái Đất với tốc độ cực cao, đôi khi vượt 3.200 km/h.
Chúng chỉ được điều hướng ở giai đoạn đầu, nên độ chính xác kém hơn tên lửa hành trình. Tuy nhiên, tốc độ và quỹ đạo lao dốc khiến việc đánh chặn trở nên vô cùng khó khăn. Giới quan sát phương Tây cho rằng Ukraine càng thiếu tên lửa đánh chặn, thì hậu quả do các đợt tấn công của Nga càng nghiêm trọng.
Ưu điểm vượt trội của Patriot
Hệ thống Patriot do tập đoàn Lockheed Martin phát triển được đánh giá là một trong những lá chắn phòng không hiện đại nhất hiện nay. Mỗi tổ hợp thường gồm nhiều loại tên lửa, có thể đồng thời đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Theo chuyên gia quân sự Andrii Kharuk, điểm nổi bật của Patriot là kiến trúc mở, cho phép tích hợp nhiều loại radar và vũ khí khác nhau. Các nước khi đặt mua thường lựa chọn các cấu hình đa dạng tùy theo nhu cầu phòng thủ riêng biệt.
PAC-2 GEM-T là phiên bản cũ hơn, có tầm bắn tới 160 km, sử dụng đầu đạn nổ phân mảnh để tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách gần. Loại tên lửa này phù hợp với đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình.
PAC-3, phiên bản hiện đại hơn, được thiết kế để đối phó với các mối đe dọa có tốc độ cao hơn, đặc biệt là tên lửa đạn đạo. Khác với PAC-2, PAC-3 sử dụng công nghệ “hit-to-kill”, nghĩa là tiêu diệt mục tiêu bằng va chạm trực tiếp, không cần đến vụ nổ phụ.
Dù có tầm bắn ngắn hơn (35–50 km), PAC-3 lại có độ chính xác cao hơn và được thiết kế để xử lý các mối đe dọa ở tốc độ và độ cao lớn. Phiên bản tiên tiến nhất PAC-3 MSE còn được trang bị động cơ xung kép, cho phép tăng cường tầm hoạt động và khả năng cơ động, giúp hệ thống đối phó hiệu quả hơn với các loại tên lửa hiện đại.
Chuyên gia Dmytro Zhmailo, Giám đốc Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine, nhận định: “Đây là loại vũ khí đã thể hiện hiệu quả trên thực tế. Với chúng tôi, việc có được hệ thống này là vấn đề an ninh thiết yếu”.
Áp lực cung ứng và năng lực sản xuất
Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. Ảnh tư liệu: Anadolu Agency/TTXVN
Bên cạnh nhu cầu ngày càng lớn, việc duy trì kho dự trữ và khả năng sản xuất cũng là một thách thức đối với nhiều quốc gia.
Đầu tháng 7, một số chuyến hàng Patriot gửi đến Ukraine đã bị tạm hoãn trong thời gian ngắn do Washington rà soát lại khả năng cung ứng. Sau đó, Mỹ đồng ý chuyển giao thêm 10 quả tên lửa đánh chặn này, mỗi quả ước tính trị giá khoảng 4 triệu USD.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Trong một cuộc tấn công gần đây, Ukraine phải đối mặt với sáu tên lửa đạn đạo tốc độ cao và để đánh chặn hiệu quả, có thể cần sử dụng đến 12 tên lửa đánh chặn chỉ trong một đợt.
Ngày 13/7, Mỹ xác nhận sẽ tiếp tục hỗ trợ hệ thống Patriot cho Ukraine. Đây là một động thái được cho là nhằm đáp ứng tình hình an ninh ngày càng phức tạp. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi các đối tác quốc tế tăng cường viện trợ phòng không, đồng thời đề xuất phương án thuê hoặc tự sản xuất trong nước nếu được cấp phép công nghệ.
Tuy vậy, theo các nhà phân tích, tiến độ hỗ trợ vẫn đang diễn ra khá chậm. Một trong những nguyên nhân là việc các quốc gia sở hữu Patriot cũng cần duy trì số lượng tối thiểu để đảm bảo năng lực phòng thủ quốc gia, trong khi việc mở rộng sản xuất cần đầu tư dài hạn.
Mỹ và bài toán cân bằng chiến lược
Chuyên gia Frank Ledwidge tại Đại học Portsmouth (Anh) cho rằng Mỹ hiện sản xuất khoảng 600 tên lửa đánh chặn mỗi năm, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Trong khi đó, một số quốc gia khác đang nắm giữ kho tên lửa đạn đạo lớn hơn nhiều, khiến cán cân phòng thủ - tấn công có thể bị ảnh hưởng.
Theo ông Ledwidge, chậm trễ trong chuyển giao khí tài phòng không không nhất thiết phản ánh một quan điểm chính trị, mà là kết quả của tính toán chiến lược dài hạn.
“Mỹ không tiết lộ chi tiết kho dự trữ của mình và điều đó là dễ hiểu. Nhưng rõ ràng, họ cũng đang phải cân nhắc giữa việc hỗ trợ đối tác và bảo đảm năng lực phòng thủ tại các khu vực trọng yếu như Thái Bình Dương hoặc Trung Đông”, ông nhận định.
Patriot tiếp tục được nâng cấp
Ngày 8/7, Lockheed Martin cho biết đang liên tục nâng cấp dòng PAC-3 để thích ứng với môi trường an ninh ngày càng phức tạp.
Ông Brian Kubik, Phó Chủ tịch phụ trách chương trình PAC-3, khẳng định: “Những diễn biến toàn cầu gần đây cho thấy tầm quan trọng sống còn của PAC-3 trong xây dựng hệ thống phòng thủ tích hợp, nhằm bảo vệ tính mạng con người, cơ sở hạ tầng và các tài sản chiến lược”.
Hải Vân/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/ten-lua-danh-chan-patriot-la-chan-duoc-san-lung-giua-lan-song-xung-dot-toan-cau-20250715104609248.htm