Tên lửa đẩy H3 – niềm hy vọng mới của công nghiệp vũ trụ Nhật Bản

Tên lửa đẩy H3 – niềm hy vọng mới của công nghiệp vũ trụ Nhật Bản
8 giờ trướcBài gốc
Hôm 29/6 vừa qua, Nhật Bản đã phóng thành công lên quỹ đạo một vệ tinh quan trắc bằng tên lửa đẩy H2A. Đây là sứ mệnh cuối cùng của loại tên lửa này sau 24 năm hoạt động hiệu quả, góp phần to lớn vào việc nâng cao danh vị của Nhật Bản trên bản đồ hàng không vũ trụ quốc tế. Tới đây, Nhật Bản sẽ chỉ sử dụng một loại tên lửa mới có nhiều tính năng ưu việt hơn, với tên gọi H3.
Một lần phóng thành công của H3 (Ảnh JAXA).
Tên lửa đẩy H3 cũng do Cơ quan nghiên cứu phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi nghiên cứu-phát triển với tiêu chí “linh hoạt, tin cậy và chi phí thấp”, thay thế cho H2A nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường hàng không vũ trụ quốc tế.
H3 là loại tên lửa 2 tầng, sử dụng nhiên liệu hydro và oxy lỏng, thực hiện sứ mệnh đầu tiên vào năm 2023. Hiện nay, Nhật Bản vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nâng cao tính năng cho H3 theo từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 tập trung vào việc giúp H3 có thể mang được nhiều vệ tinh trong một lần phóng, và giai đoạn hai sẽ nâng tần suất phóng của H3 lên 6 đến 8 lần/1 năm, hướng tới 2 tuần một lần. Bên cạnh ưu thế chi phí thấp, với mỗi lần phóng chỉ tiêu tốn khoảng 5 tỷ Yên (tương đương khoảng 900 tỷ VND), bằng một nửa so với H2A, H3 còn mang lại nhiều lợi ích khác. Ông Arida Makoto – phụ trách dự án H3 của JAXA cho biết:
“Mục đích nghiên cứu – phát triển và đưa vào sử dụng H3 dựa trên 2 trụ cột chính. Thứ nhất là nâng cao tính tự chủ, linh hoạt của Nhật Bản trong việc phóng vệ tinh. Với H3, Nhật Bản có thể chủ động trong việc đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Thứ 2 là nâng cao sức cạnh tranh của Nhật Bản trong lĩnh vực phóng vệ tinh nhân tạo. Đây cũng là 2 lợi ích rất lớn của H3”
Trước H3, tên lửa đẩy H2A của Nhật Bản cũng gặt hái nhiều thành công và được đánh giá cao trên thị trường công nghiệp vũ trụ quốc tế. Qua 50 lần phóng với tỷ lệ thành công 98%, H2A đã đưa lên vũ trụ rất nhiều vệ tinh nhân tạo và các thiết bị thám hiểm không gian, trong đó, có những dự án mang ý nghĩa to lớn như tàu vũ trụ Hayabusa 2 với sứ mệnh thu thập mẫu đất đá của tiểu hành tinh Ryugu, tàu thám hiểm Mặt Trăng SLIM, vệ tinh khí tượng Himawari, vệ tinh quan trắc Trái Đất Daiichi, vệ tinh định vị toàn cầu Michibiki...
Tiếp nối những thành công này và bằng những tính năng ưu việt nêu trên, H3 được kỳ vọng là sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như danh vị của Nhật Bản trên bản đồ hàng không vũ trụ quốc tế.
PV/VOV-Tokyo
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/ten-lua-day-h3-niem-hy-vong-moi-cua-cong-nghiep-vu-tru-nhat-ban-post1212672.vov