Tên lửa Iskander của Nga đáng sợ đến thế nào?

Tên lửa Iskander của Nga đáng sợ đến thế nào?
7 giờ trướcBài gốc
Vũ khí chiến lược tầm ngắn, đòn tấn công dài hơi
3 năm sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander vẫn chứng tỏ vai trò then chốt trong kho vũ khí tấn công của Moskva. Khác với các loại hỏa tiễn tầm xa hay UAV cảm tử, Iskander đại diện cho một dạng đòn đánh chính xác, bất ngờ và cực kỳ khó phòng thủ.
Phiên bản Iskander-M hiện đại nhất có tầm bắn 400-500 km, mang được đầu đạn nặng tới 700 kg và có thể bắn cả đạn nổ phá mảnh, chùm hoặc đầu đạn hạt nhân. Với tốc độ tối đa đạt Mach 6 đến Mach 7 ở giai đoạn cuối, tên lửa này bay theo quỹ đạo bán đạn đạo nhưng lại có khả năng cơ động linh hoạt để đánh lừa radar, vượt qua hệ thống đánh chặn như Patriot hay IRIS-T của phương Tây.
Hệ thống Iskander của Nga. Ảnh NI
Từ các vùng như Bryansk hay Kursk, Iskander có thể dễ dàng vươn tới Kiev hoặc bất kỳ mục tiêu quân sự trọng điểm nào sâu trong lãnh thổ Ukraine. Không chỉ vậy, khả năng triển khai nhanh của bệ phóng di động khiến chúng rất khó bị phát hiện và tiêu diệt trước khi phóng. Khi chiến trường là cuộc chơi của tốc độ và bất ngờ, thì Iskander đang giúp Nga nắm cả hai lợi thế ấy.
Khi lá chắn NATO thành "trò cười"
Điều khiến Iskander trở thành nỗi ám ảnh thực sự không chỉ là tốc độ hay hỏa lực, mà còn là khả năng gây nhiễu và tạo mồi bẫy radar ngay trong hành trình bay.
Từ năm 2022, các quả đạn Iskander-M đã được Nga tích hợp cơ chế thả mồi radar trong pha tiếp cận mục tiêu, khiến radar phòng không hiện đại như Patriot không thể phân biệt đâu là mục tiêu thật, đâu là nhiễu. Cùng lúc đó, tên lửa có thể đổi hướng linh hoạt ở độ cao lớn, buộc hệ thống đánh chặn phải tính toán lại toàn bộ đường bay mỗi giây - một bài toán không dễ gì giải nổi.
Ngay cả tại Kiev, nơi được bảo vệ bằng tổ hợp Patriot đắt giá, các vụ tấn công bằng Iskander vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng. Ukraine từng nhiều lần khoe thành tích đánh chặn, nhưng theo giới phân tích phương Tây, những quả Iskander đã nâng cấp vẫn “lọt lưới” và đánh trúng hạ tầng quân sự hoặc năng lượng trọng yếu.
Tên lửa Patriot. Ảnh Bloomberg News
Ukraine lúng túng, phương Tây lo ngại
Với một quốc gia có diện tích lớn và không thể bảo vệ toàn bộ bầu trời như Ukraine, Iskander là “vũ khí lý tưởng” để gây áp lực dài hạn. Không chỉ hủy diệt hạ tầng quân sự, Iskander còn buộc Ukraine phải phân tán hệ thống phòng không - vốn đã ít ỏi ra nhiều khu vực, từ đó làm suy yếu năng lực bảo vệ các thành phố lớn.
Không dừng lại ở đó, các thông tin gần đây còn cho thấy khả năng Nga sắp đưa vào biên chế biến thể Iskander-1000, một phiên bản mở rộng với tầm bắn lên tới 1.000 km. Dù chưa được xác nhận, nhưng nếu điều này thành sự thật, Moskva sẽ có thể tấn công mục tiêu sâu trong lãnh thổ Ukraine mà không cần rời khỏi biên giới, thậm chí là vươn tới cả căn cứ NATO ở Ba Lan, Romania hoặc Slovakia.
Trong khi đó, việc sản xuất tên lửa Iskander vẫn được Nga duy trì đều đặn, cho thấy họ không hề lo ngại về kho đạn hay thiếu hụt công nghiệp như phương Tây từng phỏng đoán.
Tên lửa Iskander. Ảnh Militar Aktuell
Iskander không chỉ là công cụ quân sự, mà còn là công cụ gây áp lực tâm lý mạnh mẽ. Khả năng tấn công bất ngờ, không thể đoán trước, tầm bắn lớn và đặc biệt là khả năng mang đầu đạn hạt nhân khiến hệ thống này trở thành biểu tượng đe dọa.
Chính thiết kế có thể mang đầu đạn hạt nhân của Iskander khiến nó bị NATO xếp vào danh sách “vũ khí chiến lược tầm ngắn”, tức là những phương tiện có thể dùng để mở đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân giới hạn. Khác với vũ khí răn đe hạt nhân chiến lược tầm xa, Iskander là công cụ để tung đòn phủ đầu sát biên giới và trong thời đại vũ khí siêu thanh, khoảng cách vài trăm km chỉ là vấn đề của phút.
Trong bối cảnh Mỹ đang ngày càng sa lầy tại Trung Đông, châu Âu vẫn chia rẽ về cam kết dài hạn với Ukraine, thì việc Nga duy trì và nâng cấp các hệ thống như Iskander cho thấy họ có chiến lược rõ ràng, dài hơi và hiệu quả.
lê hưng (National Interest)
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/ten-lua-iskander-cua-nga-dang-so-den-the-nao-ar952224.html