Theo tạp chí Army Recognition, cuộc thử nghiệm này nhằm xác nhận hiệu quả của các nâng cấp phần mềm và thuật toán dò tìm mục tiêu cho hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa Patriot, trong điều kiện tác chiến mô phỏng thực tế.
PAC-3 MSE có gì đặc biệt?
PAC-3 MSE (Missile Segment Enhancement) là phiên bản tiên tiến nhất trong dòng tên lửa đánh chặn PAC-3, do tập đoàn Lockheed Martin phát triển. So với phiên bản trước đó, PAC-3 MSE có khả năng tác chiến vượt trội nhờ hệ thống động cơ đẩy kép dùng nhiên liệu rắn, cho phép đánh chặn mục tiêu ở cự ly trên 60km, thay vì khoảng 35km như bản tiêu chuẩn. Tên lửa này có thể vươn tới độ cao khoảng 20km, cho phép đánh chặn các tên lửa đạn đạo có quỹ đạo rơi dốc hoặc mục tiêu bay ở độ cao lớn.
Mỹ nâng cấp tên lửa PAC-3 MSE với thuật toán mới, tăng khả năng đánh chặn chính xác trong môi trường tác chiến phức tạp - Ảnh: Lockheed Martin
Điểm nổi bật khác của PAC-3 MSE là khả năng cơ động cao. Tên lửa được trang bị hệ thống điều khiển nâng cấp, cho phép thực hiện các thao tác chuyển hướng gấp trong giai đoạn cuối hành trình. Nhờ sự kết hợp giữa đầu dò radar chủ động băng tần Ka và dữ liệu chỉ thị từ hệ thống chỉ huy mặt đất, PAC-3 MSE có thể điều chỉnh đường bay trong thời gian thực, tăng độ chính xác khi đối đầu với các mục tiêu có tốc độ cao hoặc cơ động linh hoạt như tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu, máy bay không người lái (UAV), trực thăng và cả phương tiện bay siêu vượt âm trong pha cuối.
Cuộc thử nghiệm mới nhất tập trung vào kiểm tra các thuật toán dò tìm được cập nhật nhằm nâng cao khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu trong môi trường tác chiến phức tạp. Đầu dò radar của PAC-3 MSE sử dụng băng tần Ka, cung cấp hình ảnh mục tiêu độ phân giải cao và khả năng tự điều hướng. Các nâng cấp phần mềm giúp cải thiện hiệu suất xử lý tín hiệu, tăng khả năng phân biệt giữa nhiều đối tượng khác nhau, loại bỏ nhiễu và chống lại các biện pháp đối kháng điện tử của đối phương như mồi bẫy radar, nhiễu chaff hay chiến thuật tấn công theo bầy đàn.
Một ưu thế khác đáng chú ý là cơ chế tiêu diệt mục tiêu bằng va chạm trực tiếp (hit-to-kill) thay vì đầu nổ phân mảnh như các thế hệ cũ. Phương pháp này tạo ra năng lượng va chạm rất lớn, đủ sức phá hủy các mục tiêu có lớp bảo vệ vững chắc như tên lửa đạn đạo mang đầu đạn tái xâm nhập khí quyển hay tên lửa hành trình có diện tích phản xạ radar nhỏ. Đồng thời, nó cũng giúp giảm thiểu thiệt hại phụ, đặc biệt trong các khu vực dân cư hoặc mục tiêu trọng yếu.
PAC-3 MSE đã được triển khai và sử dụng hiệu quả trong thực tế, thể hiện năng lực chiến đấu trong các khu vực xung đột cường độ cao. Các quốc gia đồng minh như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển và Ba Lan đều đang vận hành hệ thống này, minh chứng cho giá trị chiến lược trong các mạng lưới phòng thủ tên lửa đa quốc gia. Với khả năng cập nhật nhanh chóng qua phần mềm và phần cứng, PAC-3 MSE tiếp tục duy trì vai trò then chốt trong các chiến dịch tác chiến phối hợp trong tương lai.
Phiên bản mới nhất của tên lửa phòng không PAC-3 MSE do Lockheed Martin phát triển đã được nâng cấp với các thuật toán dò tìm tiên tiến, nhằm nâng cao độ chính xác và khả năng theo dõi mục tiêu trong môi trường tác chiến phức tạp - Ảnh: Lockheed Martin
Nguồn cung đáng lo ngại
Tuy nhiên, bên cạnh những cải tiến về kỹ thuật, nguồn cung tên lửa PAC-3 lại đang trở thành vấn đề được quan tâm. Theo một báo cáo gần đây, Lầu Năm Góc đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng sau khi sử dụng nhiều tên lửa trong các đợt đánh chặn tại Ukraine và Trung Đông.
Tờ Guardian dẫn nguồn tin cho biết Mỹ đã sử dụng khoảng 30 quả tên lửa PAC-3 để đánh chặn một đợt tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran nhằm vào căn cứ Al Udeid tại Qatar tháng trước. Đây được cho là đợt khai hỏa PAC-3 lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ.
Báo cáo cũng cho biết, do lo ngại về mức tồn kho thấp, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tạm thời dừng chuyển giao một số lô tên lửa cho Ukraine trong thời gian đánh giá lại tình hình. Dù vậy, người phát ngôn Lầu Năm Góc, trung tá Bryon McGarry, khẳng định quân đội Mỹ vẫn đảm bảo đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu và có kế hoạch điều chỉnh năng lực một cách có trách nhiệm. Ông không xác nhận cụ thể về số lượng tên lửa trong kho.
Trong khi đó, Ukraine đang phải đối mặt với các đợt không kích tăng cường từ Nga. Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW), số lượng tên lửa và UAV do Nga phóng đã tăng gấp 5 lần kể từ đầu năm. Một cựu sĩ quan cấp cao Ukraine cho biết do nguồn tên lửa đánh chặn cạn kiệt, ngày càng nhiều tên lửa Nga vượt qua được lưới phòng không và gây thiệt hại.
Mặc dù Mỹ đã viện trợ cho Ukraine 3 tổ hợp Patriot từ năm 2023 cùng hàng chục tên lửa, nhưng nhu cầu vẫn rất lớn. Ukraine còn nhận thêm tên lửa từ kho dự trữ của một số nước châu Âu và khoảng 90 tên lửa PAC-2 GEM-T từ Israel. Tuy nhiên, số lượng này chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thực tế và tương lai cung cấp vẫn chưa rõ ràng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định nối lại một phần viện trợ vũ khí cho Ukraine sau cuộc điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky. Theo Axios, ông Trump đã đồng ý cung cấp thêm 10 tên lửa PAC-3 và kêu gọi các đồng minh châu Âu hỗ trợ mua thêm một tổ hợp Patriot cho Ukraine, với đề xuất chia sẻ chi phí giữa các nước.
Dù con số 10 tên lửa không đủ thay đổi cán cân chiến trường, động thái này cho thấy cách Mỹ đang quản lý chặt chẽ kho tên lửa còn lại. Mỗi quả PAC-3 MSE có giá gần 4 triệu USD và mất thời gian dài để sản xuất. Theo kế hoạch ngân sách năm tài khóa 2026, lục quân Mỹ dự kiến chi hơn 1 tỉ USD để mua 233 quả tên lửa loại này, con số tương đương với các năm gần đây. Tuy nhiên, lực lượng này đã đề xuất tăng số lượng tên lửa mục tiêu từ 3.376 lên 13.773 quả từ tháng 4.2025.
Trước tình trạng cầu vượt cung, NATO đã triển khai kế hoạch hỗ trợ các quốc gia châu Âu mua 1.000 tên lửa PAC-3, trong đó có phương án sản xuất tại nhà máy ở Đức. Nhật Bản hiện cũng có hợp đồng sản xuất khoảng 30 quả PAC-3 mỗi năm theo giấy phép của Lockheed Martin, nhưng kế hoạch mở rộng sản xuất gặp khó khăn do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Lockheed Martin là tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng hàng đầu của Mỹ, thành lập năm 1995 từ sự sáp nhập giữa Lockheed Corporation và Martin Marietta. Công ty chuyên thiết kế, sản xuất và cung cấp các hệ thống công nghệ cao như máy bay chiến đấu (F-35 Lightning II, F-22 Raptor), tên lửa, radar, vệ tinh, công nghệ không gian.
Lockheed Martin đóng vai trò quan trọng trong các chương trình quốc phòng của Mỹ và đồng minh, đồng thời tham gia các dự án không gian như tàu vũ trụ Orion của NASA. Với hơn 122.000 nhân viên và doanh thu hằng năm khoảng 70 tỉ USD, công ty là một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới. Lockheed Martin cũng đầu tư mạnh vào nghiên cứu công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và năng lượng hạt nhân. Sản phẩm của họ định hình chiến lược quân sự và khám phá không gian hiện đại.
Hoàng Vũ