Nhà Trắng cho biết tin tên ông Trump xuất hiện trong hồ sơ Epstein là “tin giả”. Ảnh: Reuters.
Tờ Wall Street Journal ngày 23/7 dẫn nguồn tin cho biết Tổng chưởng lý Mỹ Pam Bondi đã báo cáo với ông Trump hồi tháng 5 rằng tên ông xuất hiện trong các tài liệu điều tra của Bộ Tư pháp liên quan đến Jeffrey Epstein - tỷ phú ấu dâm từng gây chấn động nước Mỹ và đã chết trong tù năm 2019.
Thông tin này càng khoét sâu cuộc khủng hoảng chính trị đang bủa vây ông Trump, nhất là khi những người ủng hộ ông từ lâu đã lan truyền các thuyết âm mưu về danh sách khách hàng bí ẩn của Epstein và cái chết bất thường của ông này trong phòng giam.
Ngay sau khi bài báo được công bố, Nhà Trắng phản ứng đầy mâu thuẫn. Ban đầu, họ gọi đây là “tin giả”, nhưng sau đó một quan chức cấp cao lại thừa nhận chính quyền không phủ nhận sự xuất hiện của tên ông Trump trong hồ sơ. Vị này cho biết tài liệu đã được bà Bondi tổng hợp từ tháng 2 và chia sẻ với các nhân vật bảo thủ có ảnh hưởng.
Trong quá khứ, ông Trump từng có mối quan hệ thân thiết với Epstein vào thập niên 1990 và đầu 2000. Tên ông xuất hiện nhiều lần trong nhật ký chuyến bay của phi cơ riêng mà Epstein sở hữu. Một số thành viên gia đình Trump cũng được ghi trong danh bạ liên lạc của Epstein, cùng hàng trăm người khác.
Phần lớn các tài liệu này từng được công khai trong vụ xét xử Ghislaine Maxwell - cộng sự thân cận của Epstein. Bà Maxwell đã bị kết án 20 năm tù vì tội buôn bán trẻ em vì mục đích tình dục và các tội danh liên quan.
Tại tòa, phi công riêng của Epstein khai rằng ông Trump từng bay nhiều lần trên chuyên cơ của tỷ phú này. Tuy nhiên, ông Trump đã phủ nhận thông tin đó.
Reuters cho biết họ chưa thể độc lập xác minh nội dung bài viết của Wall Street Journal.
Lời hứa chưa thực hiện và sức ép nội bộ
Một trong những lý do khiến ông Trump chịu sức ép lớn là việc chính quyền của ông đột ngột đảo chiều quan điểm: từ cam kết công khai hồ sơ trong chiến dịch tranh cử sang quyết định không công bố các tài liệu về Epstein.
Theo bản ghi nhớ do Bộ Tư pháp công bố đầu tháng 7, cơ quan này cho rằng không có căn cứ để tiếp tục điều tra vụ Epstein. Tuyên bố này lập tức làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong nội bộ đảng Cộng hòa, đặc biệt từ những người vốn tin rằng danh sách khách hàng của Epstein bao gồm nhiều nhân vật giàu có và quyền lực.
Tổng chưởng lý Mỹ Pam Bondi phát biểu với giới truyền thông tại Nhà Trắng vào tháng 6, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Dù tên bị nhắc đến, ông Trump chưa từng bị cáo buộc phạm tội liên quan đến Epstein. Ông khẳng định mối quan hệ với tỷ phú này đã kết thúc trước khi các rắc rối pháp lý nổ ra vào đầu những năm 2000.
Bà Bondi và Phó Tổng chưởng lý Todd Blanche cũng đưa ra tuyên bố cho biết: “Không có nội dung nào trong hồ sơ cho thấy cần điều tra hoặc truy tố thêm. Chúng tôi đã nộp đơn lên tòa đề nghị công khai biên bản đại bồi thẩm đoàn”.
Hai người cho biết ông Trump đã được thông báo kết quả điều tra như một phần trong quy trình báo cáo thường kỳ.
Wall Street Journal cho biết trong một cuộc họp tại Nhà Trắng, bà Bondi đã trực tiếp thông báo với ông Trump rằng tên ông cùng với nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng khác có xuất hiện trong hồ sơ điều tra.
Hồ sơ vẫn bị niêm phong, Quốc hội chia rẽ
Epstein được xác định là đã treo cổ tự sát trong tù năm 2019 khi đang chờ xét xử các cáo buộc buôn bán tình dục trẻ vị thành niên. Trước đó, năm 2008, ông từng nhận tội môi giới mại dâm tại bang Florida và chỉ bị kết án 13 tháng tù – bản án bị chỉ trích là quá nhẹ.
Dưới áp lực dư luận, ông Trump tuần trước đã chỉ đạo Bộ Tư pháp nộp đơn xin tòa cho phép công khai các biên bản của đại bồi thẩm đoàn liên quan đến vụ Epstein. Tuy nhiên, ngày 23/7, Thẩm phán Liên bang Robin Rosenberg đã bác đơn, cho rằng đề nghị này không nằm trong các trường hợp ngoại lệ để tiết lộ tài liệu mật của đại bồi thẩm đoàn.
Đơn này liên quan đến các cuộc điều tra liên bang đối với Epstein giai đoạn 2005–2007. Bộ Tư pháp hiện cũng đang tìm cách công khai thêm các biên bản từ tòa án liên bang Manhattan, nơi Epstein và Maxwell từng bị truy tố trong giai đoạn sau.
Tuần trước, Wall Street Journal tiếp tục làm dậy sóng dư luận khi cho biết ông Trump từng gửi cho Epstein một tấm thiệp sinh nhật vào năm 2003 với lời nhắn đầy ẩn ý: “Chúc mừng sinh nhật, mong mỗi ngày là một bí mật tuyệt vời khác”.
Sau đó, ông Trump đã kiện Journal và ông chủ Rupert Murdoch vì cho rằng đó là tài liệu giả mạo.
Một màn hình hiển thị tin tức liên quan đến hồ sơ Epstein tại Nasdaq MarketSite ở New York vào ngày 23/7. Ảnh: Reuters.
Mặc dù ông Trump từng cổ súy cho nhiều thuyết âm mưu về Epstein, giờ đây chính ông lại rơi vào vòng xoáy hoài nghi từ chính người ủng hộ. Phong trào MAGA dường như không tin vào việc chính quyền của ông đang minh bạch về hồ sơ Epstein.
Cái chết đầy nghi vấn của Epstein, dù được kết luận là tự sát, vẫn tiếp tục làm dấy lên suy đoán về khả năng ông bị thủ tiêu do biết quá nhiều bí mật. Trong thông báo mới nhất, Bộ Tư pháp vẫn giữ nguyên kết luận: Epstein đã chết do tự sát.
Căng thẳng leo thang đến mức ngày 23/7, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson bất ngờ cho Quốc hội nghỉ hè sớm một ngày để tránh cuộc bỏ phiếu gay gắt về việc yêu cầu công bố hồ sơ Epstein.
Tuy vậy, một tiểu ban của Ủy ban Giám sát Hạ viện hôm 24/7 đã phê duyệt trát đòi toàn bộ tài liệu liên quan đến Epstein từ Bộ Tư pháp. Đáng chú ý, ba nghị sĩ Cộng hòa đã cùng năm nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu thông qua, cho thấy Đảng Cộng hòa vẫn còn chia rẽ sâu sắc về cách xử lý vụ việc.
Trong khi đó, ông Trump được cho là đang đánh lạc hướng dư luận bằng cách đưa ra cáo buộc rằng cựu Tổng thống Barack Obama đã phá hoại chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông điều đã bị văn phòng của ông Obama bác bỏ là “lố bịch”.
Một cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos tuần trước cho thấy hơn 2/3 người dân Mỹ tin rằng chính quyền ông Trump đang che giấu thông tin về những nhân vật từng có quan hệ với Jeffrey Epstein.
Phương Linh