Thành ủy TP HCM vừa thông qua phương án sắp xếp 273 phường, xã, thị trấn hiện hữu của TP HCM thành 102 đơn vị hành chính cấp xã mới - giảm 171 đơn vị. Trong 102 đơn vị hành chính cấp xã mới, dự kiến có 78 phường và 24 xã. Trong đó, đề xuất tên cho các phường sau sáp nhập nhận được sự quan tâm đặc biệt. Những tên gọi như "Sài Gòn", "Chợ Lớn"… gây xúc động, tạo làn sóng đồng thuận mạnh trong nhân dân.
Không quên cội nguồn
TP HCM có lịch sử quản lý hành chính hơn 300 năm, từ năm 1698 - khi Nguyễn Hữu Cảnh lập nên Phủ Gia Định. Trải qua thời gian đó, nơi đây có nhiều tên gọi khác nhau dùng để chỉ toàn bộ vùng đất hoặc một khu vực, như Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Bến Nghé, Phan Yên, Phiên An. Trong đó, Sài Gòn là tên gọi phổ biến nhất trong quản lý hành chính cũng như đời sống văn hóa cộng đồng.
Đến năm 1976, tên gọi TP HCM được dùng để đặt tên cho TP Sài Gòn - Gia Định, có địa giới hợp nhất từ Đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định trước đó.
Sài Gòn là tên gọi đã gắn liền với vùng đất này trước khi chính thức mang tên TP HCM sau năm 1975; là biểu tượng văn hóa - lịch sử lâu đời, gắn với ký ức và tâm thức của nhiều thế hệ cư dân đô thị; là tên gọi được sử dụng rộng rãi trong văn học - nghệ thuật, đời sống sinh hoạt thường ngày, có sức lan tỏa và dễ nhận diện ở trong nước lẫn quốc tế.
Đề xuất tên gọi các phường của TP HCM như Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Bến Thành... nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Trong ảnh: Khu vực chợ Bến Thành sẽ thuộc phường Bến Thành nếu đề xuất được thông qua. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo UBND quận 1, việc đặt tên phường Sài Gòn phù hợp với vị trí trung tâm và bản sắc đô thị. Khu vực phường mới nằm ở trung tâm lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa của quận 1 - nơi hội tụ nhiều công trình, di tích biểu tượng.
Đồng thời, việc đặt tên phường Sài Gòn thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử vùng đất này; là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống với hiện đại. Qua đó, góp phần gìn giữ bản sắc địa phương trong quá trình đô thị hóa và phát triển.
Sài Gòn còn là tên gọi quen thuộc, phổ biến trong cộng đồng cư dân và khách quốc tế, góp phần thuận tiện trong công tác quảng bá hình ảnh đô thị, phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế địa phương.
Việc đặt tên phường Sài Gòn còn mang ý nghĩa chiều sâu lịch sử, đó là sự gắn kết giữa truyền thống và hiện đại; là cầu nối về lòng tự hào, ý thức về cội nguồn, về trách nhiệm tiếp nối những di sản văn hóa với tương lai năng động. Tên gọi này không chỉ khơi dậy ký ức thân quen, gần gũi với bao thế hệ người dân mà còn khẳng định bản sắc độc đáo của TP HCM - một thành phố trẻ trung nhưng giàu di sản, luôn biết trân trọng cội nguồn trong hành trình phát triển.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (71 tuổi, ngụ quận 1) bày tỏ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố này, nếu có phường mang tên Sài Gòn, tôi thấy như được trở về tuổi thơ".
Tương tự, ông Hồ Minh Quang (69 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) xúc động khi biết phường mình sinh sống có thể mang tên Gia Định. "Tên gọi này thân thương mà không bị trùng lắp, vừa mang giá trị lịch sử vừa giúp người dân có cảm giác gần gũi, dễ chấp nhận" - ông nhận xét.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cũng đánh giá cao đề xuất của TP HCM. "Tên gọi là một phần bản sắc. Khi đề xuất những tên gọi mang chiều sâu lịch sử như Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, Chợ Quán, An Đông…, thành phố đã thể hiện rõ tầm nhìn và sự tôn trọng quá khứ" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét.
Từ đồng thuận của người dân đến quyết sách thấu đáo
Điểm mới trong phương án sắp xếp lần này là TP HCM lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập và đặt tên phường.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, đề xuất lấy tên các địa danh đặt cho phường, xã mới của nhiều quận, huyện ở TP HCM được Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao. Theo đó, việc đặt tên như trong các đề xuất thể hiện được thông điệp quá khứ - hiện tại - tương lai là một dòng chảy và "tôn trọng lịch sử bằng hành động thiết thực". Việc đặt tên cho các phường, xã mới không phải là chuyện đơn giản. Do đó, cần tập trung hết trách nhiệm, tâm huyết, tình cảm sâu lắng để cùng với nhân dân bàn việc đặt tên.
"Đây là câu chuyện mang tính chất rất quan trọng" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. Ông yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải làm chặt chẽ và "phải tôn trọng ý kiến của nhân dân".
Tại các quận như 1, 4, 5, Bình Thạnh, Gò Vấp…, chính quyền đều tổ chức lấy ý kiến người dân rộng rãi. Ông Trần Văn Huy (phường 11, quận 5) cho biết: "Ban đầu chúng tôi hơi lo lắng. Nhưng khi biết tên phường mới là Chợ Lớn, ai cũng hoan nghênh. Đó là cái tên giàu ký ức và thân thuộc với bao thế hệ".
Theo Sở Nội vụ TP HCM, quá trình đặt tên phường, xã mới có sự phối hợp với hội đồng đặt tên, nhà nghiên cứu văn hóa, các chuyên gia ngôn ngữ và cả ý kiến của địa phương. Mỗi phương án tên phường, xã đều được phân tích kỹ, lựa chọn trên nguyên tắc: Kế thừa lịch sử, phù hợp phong tục và tạo được sự đồng thuận cao.
Gợi mở tiềm năng phát triển du lịch văn hóa
Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa và tâm lý cộng đồng, việc đặt lại tên phường, xã theo các địa danh xưa như Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, An Đông… còn mở ra hướng phát triển mới cho du lịch văn hóa đô thị - điều mà nhiều thành phố lớn trên thế giới đã khai thác hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thành (giáo viên dạy lịch sử, đã về hưu) cho rằng những tên gọi của một thời xa xưa nay trở lại với một vị thế mới, đáp ứng nhu cầu của thời đại, quá khứ hiện tại song hành.
"Việc đặt tên phường, xã theo địa danh truyền thống không chỉ giúp người dân gắn bó hơn với nơi ở mà còn có thể trở thành điểm nhấn trong bản đồ du lịch. Du khách đến TP HCM không chỉ ghé quận 1, quận 5, mà sẽ có nhu cầu khám phá phường Sài Gòn - trung tâm của thành phố, hay phường Chợ Lớn - khu phố người Hoa sầm uất hàng trăm năm…" - ông Thành nhìn nhận.
Theo ông Thành, mỗi phường, xã có thể được thiết kế thành "tuyến điểm du lịch văn hóa đặc trưng" với hệ thống biển chỉ dẫn, bản đồ di sản, không gian "check-in" mang màu sắc lịch sử và câu chuyện văn hóa bản địa.
Trong đó, phường Sài Gòn có thể tổ chức các tour đi bộ khám phá di sản kiến trúc Pháp, các công trình biểu tượng như nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Hội trường Thống Nhất… Phường Chợ Lớn là không gian lý tưởng cho tuyến du lịch ẩm thực - văn hóa người Hoa, với chùa Bà Thiên Hậu, chợ Bình Tây, khu Hải Thượng Lãn Ông, các tiệm thuốc bắc cùng nhiều món ăn trứ danh. Còn phường Gia Định có thể gắn với hành trình tìm lại dấu xưa đất Nam Bộ, là lời nhắc nhở về cội nguồn, về những giá trị truyền thống được vun đắp qua bao thế hệ, nơi có nhiều đình, chùa, di tích văn hóa dân gian…
Anh Trần Minh Đức, hướng dẫn viên du lịch, nhận định: "Các tour du lịch tại TP HCM hiện nay thiếu những điểm nhấn gắn với lịch sử, văn hóa bản địa rõ nét. Nếu thành phố làm tốt việc truyền thông và tổ chức không gian, các tên phường, xã truyền thống sẽ là "mỏ vàng" cho loại hình du lịch khám phá đô thị".
Tiến độ sắp xếp phường, xã của TP HCM
Theo kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp của UBND TP HCM, trong tháng 4-2025, Sở Nội vụ chủ trì việc hoàn thiện đề án, hướng dẫn trình tự, thủ tục tổ chức lấy ý kiến cử tri.
Trước ngày 5-5, HĐND TP HCM cùng TP Thủ Đức, 5 huyện và 63 xã, thị trấn ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Trước ngày 10-5, Sở Nội vụ tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ đề án để tham mưu UBND TP HCM trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, TP HCM tổ chức công bố nghị quyết và kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
TP HCM cũng sẽ giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư và sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công; thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới khi hình thành đơn vị hành chính mới... Những việc này được thực hiện trước ngày 10-6.
P.Anh
Phan Thư