Tết ăn đầu lúa - Hồn lúa hồn người

Tết ăn đầu lúa - Hồn lúa hồn người
8 giờ trướcBài gốc
Nét văn hóa đặc trưng
Nhờ sự giới thiệu và giúp đỡ nhiệt tình của anh Đăng Thuận, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin (VHTT) huyện Bắc Bình về Tết ăn đầu lúa của người K’ho ở xã Phan Sơn, trên địa bàn quản lý và anh từng dự rất nhiều tết với đồng bào nơi đây. Anh cũng có ý định lưu giữ lại những nét đặc trưng của văn hóa tộc người K’ho, vì thấy ngày càng mai một nhưng chưa làm kịp. Năm 2002-2003, trong chương trình mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Bộ VHTT, Sở VHTT phối hợp với phân Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh khảo sát, lập dự án nghiên cứu khoa học.
Nghi lễ cúng Tết đầu lúa của người K’ho huyện Bắc Bình. Ảnh: N.Lân
Đây là một trong những lễ nghi tiêu biểu được nghiên cứu điểm trong thời kỳ đổi mới về chiến lược văn hóa của Đảng. Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) năm 1998, về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây cũng là Dự án nguyên gốc cuối cùng của người K’ho ở xã Phan Sơn được nghiên cứu bài bản. Bởi vì sau đó vài năm họ phải dời làng đi nơi khác nhường chỗ cho Dự án thủy lợi. Nơi bản làng bao đời nay đã thành vùng lòng hồ ngập nước.
Tết ăn đầu lúa (Nhô vrê rơhe) với nhiều nghi thức lễ được tổ chức hằng năm ở nhiều thời gian và không gian khác nhau, liên tục nối tiếp được coi là lễ nghi dân gian đặc sắc nhất trong các lễ nghi hàng năm của người K’ho Phan Sơn. Đây là một chu trình khép kín với nhiều nghi thức lễ, biểu hiện cụ thể của vòng đời cây lúa mẹ: từ khi tỉa lúa cho đến khi cây lúa đâm chồi nảy lộc, sinh trưởng, làm đòng, trổ bông, đơm hạt rồi lúa chín và thu hoạch về nhà. Đỉnh điểm là vào dịp Tết cổ truyền vào ngày 14 - 15 tháng 12 âm lịch hằng năm. Người K’ho Phan Sơn vẫn bảo lưu những tập tục, thói quen truyền thống với nhiều nghi thức lễ nối tiếp theo lịch mùa vụ. Mặc dù khoa học kỹ thuật đã được đưa vào trong sản xuất các loại máy cày, máy xới, máy tuốt lúa… nhưng họ chỉ sử dụng các loại máy móc vào trong sản xuất lúa nước, lúa con, bắp… còn riêng đối với cây lúa mẹ thì vẫn tuyệt đối canh tác theo lối thủ công, thói quen từ ngàn xưa để lại.
Được tham dự Tết ăn đầu lúa một cách đầy đủ là vinh hạnh với chúng tôi. Bởi đây là một trong những tết cuối cùng của đồng bào Cơho Phan Sơn trên vùng đất định cư lâu đời. Từ sáng sớm khi những giọt sương trên cây cỏ chưa tan hết đã theo chân những người trong một gia đình lớn và có vai vế, uy tín trong cộng đồng để ghi hình và ghi chép tư liệu. Thật khó để cùng lúc ghi hết và miêu thuật đầy đủ các hoạt động của các lễ nghi do ông chủ lễ và những thành viên trong gia đình này thực hiện. Từ khi lên rẫy tuốt lúa và một loạt những lễ nghi đi kèm với mỗi chi tiết lễ nghi ở rẫy, trên đường về nhà, đưa lúa mẹ qua suối, vào nhà, vào kho… Dù vậy chúng tôi vẫn cố gắng trong mọi chi tiết. Bởi đây không phải là lễ nghi phục dựng mà là trực tiếp hiện thực, đảm bảo sự tôn nghiêm và tính thiêng của chuỗi lễ nghi, có sao làm vậy. Dân dã như nó từng dân dã qua nhiều thế kỷ ở chốn núi rừng.
Khi mặt trời lên ông chủ nhà và mọi người cùng nhảy và hát quanh cây nêu cắm giữa rẫy. Ông chủ nhà làm nghi thức tháo chùm bông lúa rồi treo lên thân cây nêu, sau đó lấy một ống tre làm kèn thổi liên tục ba hồi, rồi kính cẩn khấn cầu, mời gọi Yàng về ăn tết: “Hôm nay là ngày Nhô vrê rơhe, gia đình chúng tôi xin được đem hồn lúa về nhà cúng và cùng ăn tết với gia đình”. Ông tiếp tục thổi ba hồi kèn rồi cầu khấn lần nữa mời gọi Yàng, hồn lúa bị rơi rụng thất thoát trên nương rẫy, bị con chim, chuột, sâu bọ, thú rừng ăn, bị nước lũ cuốn trôi hãy linh ứng về đây để cùng con cháu về nhà ăn tết. Khấn xong, chủ nhà tháo chùm bông lúa mẹ gói đặt vào gùi, rồi tháo “con Hiu” (nơi trú ngụ của hồn lúa trên thân cây nêu). Xong, cả đoàn rước cùng vui vẻ đưa hồn lúa về nhà ăn tết.
Khi qua một con suối, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy chủ nhà dừng lại, chặt một cây tre thả ngang qua suối để bắc cầu cho hồn lúa về nhà. Gốc cây tre hướng về phía nương rẫy, ngọn tre hướng về phía nhà (nếu để cây tre theo hướng ngược lại thì Yàng sẽ không qua được). Lúc này chủ nhà lấy ống tre ra thổi ba hồi dài, rồi cầu khấn mời hồn lúa qua suối : “Hồn lúa ơi, hãy theo chiếc cầu này mà về, đừng ở lại bên này suối mà hãy cùng qua suối để về nhà…”. Khi đoàn rước đã qua suối xong, cây tre được thả trôi theo dòng suối và họ tin rằng những rủi ro, bất hạnh trong năm cũ sẽ theo chiếc cầu được dòng nước mang đi, hy vọng một năm mới sẽ đến với nhiều điều may mắn.
Dàn nhạc người K’ho.
Lễ nghi dân dã, tự nhiên
Khi đưa hồn lúa về đến nhà, ông chủ nhà lấy lá chuối trải dài từ cửa nhà vào kho lúa mẹ để làm đường đưa vào kho trú ngụ. Quan niệm chung của họ là nếu không làm như vậy thì hồn lúa sẽ không biết đường vào nhà và có thể đi lạc vô nhà khác. Nếu như vậy là một điều xui xẻo cho gia đình khi bước vào năm mới. Cùng với việc trải lá chuối dưới sàn từ cửa nhà họ còn phải bắc thang từ sàn nhà lên kho để hồn lúa biết đường lên. Đó là những chi tiết đắt nhất trong chuỗi lễ nghi họ còn lưu truyền mà sau này không còn nữa.
Xong những nghi thức trên, các lễ vật được bày ra trên lá chuối gồm: gà, rượu cần, rượu trắng, trầu cau, trứng, chuối, bánh tét… ông chủ nhà cầu khấn hồn lúa: “Hôm nay nhân dịp đầu năm, gia đình đã rước Yàng (hồn lúa) về nhà, nhờ ơn Yàng phù hộ mà cuối năm lúa đã đầy bồ, mời Yàng ăn tết cùng gia đình, năm mới cầu mong Yàng phù hộ gia đình khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn và làm ăn khấm khá hơn năm cũ…”.
Tất cả lễ nghi đều diễn ra một cách dân dã, tự nhiên, phản ánh sinh hoạt văn hóa của từng gia đình và cộng đồng, do đồng bào chủ động tham gia thực hiện và thụ hưởng những giá trị văn hóa nông nghiệp mang lại một cách thiết thực, vui tươi, lành mạnh. Điều này cho thấy cái triết lý sâu xa của người K’ho đối với thế giới tự nhiên, thế giới của tín ngưỡng và vũ trụ có mối liên hệ chặt chẽ với đời sống con người, xã hội.
Dự án về văn hóa phi vật thể của người K’ho ở xã Phan Sơn năm 2002-2003 đã hoàn thành theo kế hoạch. Tết ăn đầu lúa sắp về, người viết bài này để tri ân những người đã thực hiện lễ nghi nguyên gốc 22 năm trước. Bởi hiện nay chỉ còn thấy một vài lễ nghi phục dựng trên sân khấu, thiếu hẳn một Tết ăn đầu lúa nguyên gốc với không gian, thời gian và con người thực hiện.
NGUYỄN XUÂN LÝ
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/tet-an-dau-lua-hon-lua-hon-nguoi-127182.html