Tết Nguyên đán của người Việt Nam có nhiều nghi lễ truyền thống và cúng tất niên là một trong những nghi lễ quan trọng, đánh dấu sự kết thúc năm cũ và chuẩn bị đón năm mới. Xác định được nên cúng tất niên vào ngày nào, mọi người sẽ chủ động hơn trong việc thu xếp hợp lý các đầu việc và chuẩn bị chu đáo.
Nên cúng tất niên 2025 vào ngày nào?
Lễ cúng tất niên là dịp để các gia đình tỏ lòng tưởng nhớ tổ tiên và người thân đã khuất, bày tỏ lòng biết ơn các vị thần và gửi gắm mong muốn có một năm mới an khang, thịnh vượng. Mâm cúng tất niên cũng là bữa cơm đầu tiên con cháu thỉnh mời vong linh tổ tiên về nhà cùng đón Tết, là dịp để các thành viên gia đình sum vầy, gác lại những lo toan, áp lực cuộc sống, cùng nhau tận hưởng không khí đoàn viên ấm áp.
Thông thường, lễ cúng tất niên được tổ chức vào chiều hoặc tối ngày cuối cùng của năm Âm lịch, tức ngày 30 tháng Chạp (hoặc 29 tháng Chạp nếu năm đó thiếu một ngày). Tết Ất Tỵ không có ngày 30 Tết, lễ cúng tất niên có thể thực hiện vào thứ Ba ngày 28/1/2025.
Tết Ất Tỵ nên cúng tất niên vào ngày nào? (Ảnh: Pinterest)
Tuy nhiên, nhiều gia đình có công việc vẫn có thể tổ chức cúng tất niên sớm hơn vào các ngày 26, 27 hoặc 28 tháng Chạp. Nhìn chung, thời điểm tốt nhất để cúng tất niên vẫn là 2 ngày cuối cùng của năm cũ.
Để cúng tất niên, các gia đình cần chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn dâng thần linh và gia tiên. Sau bữa cơm tất niên, các gia đình chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa.
Mâm cúng tất niên cần những gì?
Lễ vật cúng tất niên đầy đủ cần có những thứ sau:
Hương và đèn: Hương tượng trưng cho các vì sao, kết nối âm dương, còn đèn đại diện cho Mặt trời và Mặt trăng. Hai vật này luôn được đặt đầy đủ trên bàn thờ để thể hiện sự tôn kính với bề trên.
Mâm ngũ quả: Quả cần phải tươi, không bị sâu, dập, không sử dụng hoa quả xanh hay giả bằng nhựa. Mâm ngũ quả được đặt ở hai bên bàn thờ, không đặt trước bát hương. Các loại quả thông dụng thường được lựa chọn gồm chuối, bưởi, thanh long, dưa hấu, xoài…
Mâm cỗ chay cúng tất niên. (Ảnh: Linh Ruby)
Món ăn truyền thống: Tùy từng vùng miền, mâm cúng tất niên sẽ có sự khác biệt về món ăn, nhưng đều hướng tới sự thịnh soạn và thể hiện lòng thành kính.
Mâm cúng Miền Bắc không thể thiết gà luộc, xôi, bánh chưng, canh măng, miến xào, nem, dưa muối. Cỗ miền Trung thì có giò lụa, thịt gà, thịt heo, bánh chưng, bánh tét kèm với đĩa hành muối. Cỗ miền Nam có canh khổ qua, chả giò, thịt kho trứng, bánh tét, củ kiệu. Các món ăn không chỉ là biểu tượng của sự đoàn tụ, mà còn mang ý nghĩa cầu mong năm mới bình an, hạnh phúc.
Mâm cúng chay: Gồm các món rau củ xào chay, canh rau củ nấu chay, bắp non, nấm rơm, nấm đông cô, đậu hà lan, đậu phụ, cà rốt, củ cải trắng; đậu phụ chiên xào nấm tươi; miến xào chay với cà rốt, nấm rơm, đậu hũ, gia vị nêm vừa phải; giò, chả chay và xôi gấc.
Hạ Vy