Tết Đoan Ngọ 2025: Gợi ý địa điểm vui chơi độc đáo, thú vị ở Hà Nội

Tết Đoan Ngọ 2025: Gợi ý địa điểm vui chơi độc đáo, thú vị ở Hà Nội
2 ngày trướcBài gốc
Tết Đoan Ngọ 2025 rơi vào ngày 31/5 (mùng 5 tháng 5 âm lịch) – một dịp lễ truyền thống đậm nét văn hóa dân gian. Nếu bạn đang ở Hà Nội, đây là thời điểm lý tưởng để trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa độc đáo, từ tham gia lễ hội, thưởng thức món ngon truyền thống đến tìm hiểu phong tục cổ truyền của người Hà Nội xưa.
Rượu nếp là món không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN
Tết Đoan Ngọ 2025 ở Hà Nội chơi gì? - Trải nghiệm một ngày tại Hoàng thành Thăng Long
Nhằm lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng sẽ tổ chức chuỗi hoạt động nhân dịp Tết Đoan Ngọ và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6.
Trưng bày “Tết Đoan Ngọ xưa và nay” diễn ra từ ngày 20/5, gồm hai chủ đề chính: Tết Đoan Ngọ dân gian truyền thống và Tết Đoan Ngọ trong cung đình thời Lê Trung Hưng.
Không gian Tết Đoan Ngọ dân gian truyền thống (tại khu trưng bày 19C Hoàng thành Thăng Long) tái hiện các phong tục đặc sắc như: thờ cúng tổ tiên, dâng cúng sản vật mùa hạ, “diệt sâu bọ” bằng rượu nếp, trứng luộc, bánh ú tro, chè kê... Người lớn uống rượu hùng hoàng hoặc nước xương bồ để tiêu độc; trẻ nhỏ được đeo bùa ngũ sắc, buộc chỉ ở cổ tay để trừ tà.
Điểm nhấn là hình tượng con giáp linh vật rắn – năm Ất Tỵ – được kết từ lá cây thân thuộc. Đây là tác phẩm nghệ thuật độc đáo, trở thành điểm check-in ấn tượng cho du khách.
Không gian cung đình thời Lê Trung Hưng (tại nhà N14 – Khu di sản Hoàng thành Thăng Long) tái hiện các nghi lễ cung đình như: lễ cúng tổ tiên, lễ thiết triều, lễ ban quạt, lễ ban yến… Thông qua tranh vẽ, mô hình và hiện vật phỏng dựng, du khách sẽ được khám phá văn hóa cung đình xưa.
Đặc biệt, BTC trưng bày mô hình chiếc quạt lớn với bài thơ đề lên quạt của vua Lê Hiến Tông (1498–1504) trong dịp Tết Đoan Ngọ, thể hiện tâm tư, trăn trở của nhà vua về việc trị quốc an dân.
Không gian lễ ban quạt được phỏng dựng với mô hình quan Tư lễ ban quạt cho các quan trong triều. Ngoài ra, Trung tâm phối hợp giới thiệu quy trình, dụng cụ làm quạt và bộ sưu tập của nghệ nhân Lân Tuyết, gồm hai dòng quạt: Quạt truyền thống (giấy dó châm kim, the hoa văn chạm trổ tinh tế) và quạt nghệ thuật (vẽ tứ thời, thư pháp, tích truyện như Thánh Gióng, Múa rồng, Tố nữ…).
Hoạt động trưng bày góp phần làm sống lại không gian văn hóa phi vật thể cung đình, giúp du khách hình dung rõ nét đời sống sinh hoạt nơi hoàng cung.
Bên cạnh đó, nhằm đưa di sản đến gần hơn với công chúng, Trung tâm phối hợp với các nghệ nhân tổ chức hoạt động trình diễn và giao lưu: Thư pháp trên quạt; kết lá tạo hình diễn ra vào ngày 31/5 và 1/6.
Đây là dịp để các nghệ nhân chia sẻ tri thức thú vị, mang đến trải nghiệm độc đáo cho du khách và các em học sinh, sinh viên.
Ghé thăm chợ hoa quả Tết Đoan Ngọ tại chợ Long Biên, chợ Đồng Xuân
Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết "giết sâu bọ", nên người dân có thói quen mua các loại hoa quả theo mùa như: mận, vải, dưa hấu, chuối tiêu… để cúng và ăn vào sáng sớm. Các chợ lớn như Long Biên, Đồng Xuân, chợ Hôm, chợ Thành Công... đều tấp nập người mua bán vào dịp này.
Bạn có thể hòa vào không khí nhộn nhịp, thưởng thức hoặc mua các món ăn truyền thống như rượu nếp, bánh ú tro, xôi vò.
Thưởng thức ẩm thực truyền thống ngày Tết Đoan Ngọ
Không thể thiếu trong dịp này là:
Rượu nếp cẩm: thơm nồng, được cho là có tác dụng “diệt sâu bọ”.
Bánh tro (bánh ú): mềm mịn, thanh mát, dễ tiêu.
Xôi vò, chè trôi nước: đặc sản ở nhiều quán ăn gia truyền khu phố cổ như Hàng Điếu, Nguyễn Siêu, Đào Duy Từ...
Một số nhà hàng tại Hà Nội cũng thiết kế set mâm cúng Tết Đoan Ngọ cho khách bận rộn, bạn có thể đặt qua các nền tảng như ShopeeFood, Grab hoặc các fanpage dịch vụ mâm cúng.
Đi lễ cầu an tại các chùa linh thiêng
Nhiều người dân Hà Nội có thói quen đi lễ cầu bình an, xua tà khí vào ngày Tết Đoan Ngọ. Bạn có thể ghé thăm:
Phủ Tây Hồ: linh thiêng, gần Hồ Tây.
Chùa Trấn Quốc: biểu tượng Phật giáo cổ nhất Thăng Long.
Chùa Quán Sứ: trung tâm Phật giáo lớn tại Hà Nội.
Lưu ý: nên đi vào sáng sớm hoặc chiều mát để tránh đông đúc, nhớ ăn mặc trang nghiêm khi vào chốn linh thiêng.
Các hoạt động gia đình tại nhà
Nếu không ra ngoài, bạn hoàn toàn có thể:
Tự tay chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ đúng phong tục.
Làm rượu nếp, gói bánh ú tro tại nhà cùng con.
Kể cho trẻ nhỏ nghe sự tích Tết Đoan Ngọ và ý nghĩa “giết sâu bọ”.
Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ hiểu và yêu hơn các giá trị truyền thống.
An Ngọc/Bnews/vnanet.vn
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/tet-doan-ngo-2025-goi-y-dia-diem-vui-choi-doc-dao-thu-vi-o-ha-noi/375132.html