Cúng Tết Đoan Ngọ 2025 vào giờ nào là tốt nhất?
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, Tết Đoan Ngọ còn gọi là Đoan dương hay ngày diệt sâu bọ. Tết Đoan Ngọ năm nay rơi vào thứ 7, ngày 31/5.
Tết Đoan Ngọ còn gọi là ngày diệt sâu bọ vì quan niệm cho rằng, thời điểm này nắng nóng kéo dài, sâu bọ phát triển. Người dân sẽ làm lễ cúng Tết Đoan Ngọ với mong muốn tiêu diệt các loài sâu bọ gây hại cho cây trồng, con người và vật nuôi.
Về thời điểm thắp hương cúng Tết Đoan Ngọ 2025, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, Đoan dương là thời điểm giữa trưa. Đoan có nghĩa là mở đầu, Ngọ là thời điểm giữa trưa, lúc dương khí cực thịnh. Nghi lễ cúng Tết Đoan Ngọ đẹp nhất là diễn ra vào chính giờ Ngọ (11h – 13h), đặc biệt là 12 giờ trưa ngày 5/5 âm lịch. Đây được xem là thời điểm tốt nhất để thực hiện nghi lễ cúng bái.
Cúng Tết Đoan Ngọ nếu có điều kiện nên tiến hành vào chính Ngọ là tốt nhất. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, tùy vào điều kiện từng gia đình, có thể linh hoạt chọn các khung giờ đẹp trong ngày 5/5 âm lịch để đón dương khí vượng, giúp gia đạo bình an, gặp nhiều may mắn trong năm.
+ Kỷ Mão (5h-7h): Ngọc Đường mang năng lượng tốt, thuận lợi cho việc cúng lễ.
+ Nhâm Ngọ (11h-13h): Tư Mệnh là giờ đại cát, thích hợp cho các nghi lễ tâm linh.
Theo quan niệm, vào ngày này ăn trái cây và rượu nếp là cách để diệt trừ sâu bọ. Nghi thức này bao gồm súc miệng ba lần cho sạch sâu bọ, ăn một bát rượu nếp để sâu bọ say và ăn trái cây để giết sâu bọ.
Người dân còn có tập quán ăn bánh gio, chè trôi nước, hạt sen để diệt trừ sâu bọ và bệnh tật trong người. Nhiều người còn tắm nước lá mùi để phòng bệnh và tẩy trừ sâu bọ.
Ở địa phương ven biển vào ngày này, người dân chờ đúng giờ Ngọ đi tắm biển để cầu bình an khỏe mạnh vì quan niệm đây là ngày khí dương mạnh nhất trong năm, giờ Ngọ là giờ dương khí mạnh nhất trong ngày.
Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ gồm những gì?
Theo phong tục xưa, mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ sẽ gồm các lễ vật như hoa quả có vị chua như quả vải, quả mận…; Bánh đa, củ lạc luộc, hoa tươi, vàng mã, nước sạch… Đặc biệt là mâm lễ cúng ngày này không thể thiếu cơm rượu nếp, nếp cẩm, chè.
Tuy vậy, chuyên gia cho rằng tùy mỗi vùng miền mà mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ có thể thay thế bằng những lễ vật khác nhau. Chẳng hạn, ở miền Bắc đặc trưng vẫn là có bánh gio. Bánh được làm từ gạo nếp ngâm cùng nước gio của các loại lá cây khô, gói trong lá chuối rồi đem luộc. Cơm rượu nếp thường là nếp cẩm, nếp cái hoa vàng.
Mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Trung lại có thịt vịt. Thịt vịt mát, tính hàn nên quan niệm vào thời tiết nắng nóng của tháng 5 âm lịch, khi ăn sẽ giúp cơ thể mát hơn. Ở Huế, người dân thường dâng thêm trong mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ là chè kê. Món ngon này làm đơn giản, chỉ cần ngâm hạt kê rồi đun sôi cho tới khi nở mềm, sền sệt rồi thêm nước đường cùng chút gừng là được.
Mâm lễ cúng của người miền Nam thì thường có bánh ú, chè trôi nước. Món chè được làm từ bột nếp, bên trong có nhân đậu xanh, ăn kèm với nước đường hoặc nước cốt dừa đun đường.
* Thông tin trong bài mang tính tham khảo.
Hà My