Nhiều người đến chùa lễ Phật vào dịp Tết Nguyên tiêu
Tết Nguyên tiêu mang ý nghĩa quan trọng về mặt tâm linh và văn hóa. Đây cũng là dịp để người Việt thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc. Thường vào ngày này, người người, nhà nhà sẽ bày biện mâm cúng gia tiên, đi chùa cầu phước lành, tham gia hoạt động thả đèn hoa đăng, cầu quốc thái dân an. Về ẩm thực trong dịp Tết Nguyên tiêu, người dân thường ăn chay, làm bánh trôi nước với ngụ ý tròn đầy, viên mãn, mọi điều suôn sẻ và hạn chế ăn mặn, sát sanh. Trong tâm thức nhiều người Việt, từ lâu, đây trở thành ngày lễ trọng đại, mang tinh thần hướng về văn hóa tâm linh, tổ tiên, nguồn cội.
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết Nguyên tiêu là gia đình anh Ngô Thanh Danh (phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An) lại tất bật chuẩn bị mâm cúng, thể hiện lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Từ sớm, gia đình anh đã phân chia công việc cụ thể, người quét dọn nhà cửa, người đi chợ lựa chọn bột làm bánh, mua rau, củ, quả, đồ chay thơm ngon,... Đến giữa trưa, sau khi làm xong bánh trôi nước, xôi, chè, gia đình anh thường cùng nhau đi chùa lễ Phật, cầu may mắn, bình an. Anh Danh chia sẻ: “Rằm tháng Giêng, tôi thường ăn chay và đi chùa cùng người thân, bạn bè. Năm nay, ngoài những hoạt động trên, tôi còn dự định tham gia lễ hội thả đèn hoa đăng tại chùa Ân Thọ (phường 5, TP.Tân An)”.
Những ngày cận rằm tháng Giêng, nhiều ngôi chùa lớn nhỏ đón đông đảo người dân đến dâng hương, lễ Phật. Không chỉ người cao tuổi mà cả những người trẻ cũng dành thời gian viếng chùa, cầu mong sức khỏe, công việc thuận lợi. Trong không gian thanh tịnh, tiếng chuông chùa vang vọng hòa cùng mùi hoa thơm, trầm hương tạo nên cảm giác thư thái, bình yên. Nhiều người viết sớ cầu an, xin lộc đầu năm hoặc tham gia thả đèn hoa đăng, gửi gắm những điều tốt đẹp. Đi chùa không chỉ là một nghi thức tâm linh mà còn là nét đẹp trong đời sống văn hóa, thể hiện sự hướng thiện và mong muốn khởi đầu năm mới suôn sẻ, bình an.
Bà Nguyễn Thị Hiền (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đi chùa vào rằm tháng Giêng để cầu mong sức khỏe, bình an cho gia đình. Tôi khuyên các con cố gắng sắp xếp thời gian chuẩn bị lễ vật đơn giản, thắp hương tại nhà rồi đến chùa dâng hương, nghe kinh vào ngày này để nhắc nhở bản thân hướng thiện, sống tốt hơn trong năm mới”.
Theo bà Hiền, Tết Nguyên tiêu không chỉ là một nghi lễ đầu năm mà còn phản ánh nếp sống văn hóa của người Việt, nơi tín ngưỡng hòa cùng những giá trị tinh thần khác. Ngày này, mỗi nén hương dâng lên bàn thờ tổ tiên hay những lời cầu nguyện cho năm mới đều thể hiện mong ước về sự bình an, sum vầy. Dù thời gian trôi qua, rằm tháng Giêng vẫn được duy trì và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, giúp con người hướng về cội nguồn và trân trọng những giá trị truyền thống.
Trong dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, Tết Nguyên tiêu vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; đồng thời, có thêm những đổi thay để phù hợp với sự phát triển của xã hội./.
Thi Mỹ - Ngọc Hân