Tết thời bao cấp ở Hà Nội

Tết thời bao cấp ở Hà Nội
15 giờ trướcBài gốc
Đấy là những cái Tết khi đất nước còn chiến tranh, đời sống rất khó khăn. Vào những ngày gần Tết, người dân Hà Nội cũng như mọi miền quê tất tả lo cho một cái Tết. Câu cửa miệng mọi người nói với nhau khi ấy là: "Nhà bác lo Tết đến đâu rồi?".
Mẹ tôi cũng vất vả lo Tết, phờ phạc cả người. Rồi như để chạy trốn cái thực tại ấy, đến tối, mẹ lại ôm tôi rủ rỉ kể về những cái Tết đầy đủ khi mẹ còn bé. Ngày ấy, trước Tết, bà hay đưa mẹ lên nhà cụ ngoại, mà mẹ hay gọi ngắn gọn là ông Hàng Gai, vì nhà ở phố Hàng Gai. Mẹ say sưa nhìn cụ tỉa củ thủy tiên để ngâm vào nước.
Cụ tỉa thật khéo hết lớp vỏ, để lộ ra các mầm hoa mà không cắt phải chúng. Sau đó, cụ ngâm các củ thủy tiên đã tỉa này vào bát nước, các mầm hoa lớn dần lên, ra lá và ra nụ, rồi nở hoa đúng vào sáng mùng một Tết.
Nhà ở phố cổ dài hun hút, gian ngoài làm nơi buôn bán, sau đến các sân trong rồi các gian nhà tiếp theo, nên tuy là nhà hình ống nhưng luôn có ánh sáng và thoáng khí. Ở một lớp sân trong ấy là vườn lan của cụ. Cụ quý vườn lan lắm, suốt ngày quanh quẩn bên những chậu lan để chăm sóc cây. Cụ tưới cây bằng nước phù sa sông Hồng, hằng ngày có người đánh xe ra sông Hồng lấy nước kéo vào trong phố, bán cho người hàng phố tưới hoa.
Ảnh: THU HÀ
Chậu lan nào nở vào dịp Tết sẽ được cụ đem vào bày trong phòng khách. Tết, khách đến chơi nhà, uống chén trà thơm, ăn miếng mứt gừng cay, ngắm hoa lan, hoa thủy tiên nở. Phong vị Tết xưa thật là thanh cao, tôi thấy như là ảo ảnh từ một miền xa xưa vọng về.
Còn cái Tết bao cấp mà tôi chứng kiến thì đầy lo toan. Gần đến Tết, lại thấy bà hoặc mẹ nhìn trời rồi đột nhiên thở dài: "Tết nhất đến nơi rồi!". Nhiều khi mẹ nhìn chúng tôi triết lý: "Chỉ có chúng mày là sướng, chẳng phải lo nghĩ gì". Mãi đến sau này tôi mới thấm thía câu nói năm nào của mẹ.
Nhà nước cũng vất vả lo Tết cho dân, ít nhất cũng cố lo cho mỗi nhà có một nồi bánh chưng và túi hàng Tết để có cái làm mâm cơm cúng tổ tiên. Trong túi hàng Tết có một miếng bóng bì để Tết nấu bát canh bóng thật ngon, với miếng bóng mềm xốp ngấm đầy nước dùng thơm ngậy. Rồi một hộp mứt Tết, một bó miến, cân đậu xanh, một ít mộc nhĩ, một ít chè, một bánh pháo và một chai rượu chanh.
Gạo nếp thì được mua ở mậu dịch, mỗi nhà vài cân, trừ vào suất gạo tẻ trong tháng. Thịt lợn mua theo tem phiếu, người dân như ông bà tôi được 3 lạng một tháng, cán bộ như bố mẹ tôi được nửa cân. Bà ngoại tôi phải để dành tem phiếu thịt từ mấy tháng trước để đến Tết mua một thể gói bánh chưng, tức là mấy tháng trước Tết ông bà tôi ăn toàn rau!
Lá dong cũng bán phân phối, mỗi gia đình được mua 2 bó, mỗi bó 50 lá. Mẹ tôi quen biết bên cửa hàng nên được vào tận trong nhà chọn bó lá to nhất. Tôi theo mẹ đi bộ lên tận cửa hàng mậu dịch trên phố Hàng Bè để chọn lá dong. Trong cái tối lờ mờ của kho lá dong, tôi cứ ngường ngượng nhìn mẹ cười nói nịnh nọt mấy cô mậu dịch viên để chọn lấy bó lá đẹp hơn một chút. Tôi thấy thương mẹ quá, cứ kéo tay mẹ về, mua bó nào cũng được. Nhưng mẹ chẳng ngượng, mẹ chọn bằng được bó lá ưng ý rồi mới về. Với mẹ, gia đình là trên hết, sá gì chút sĩ diện cỏn con.
Có gạo, có đậu, có thịt, có lá dong rồi. Bà tôi thở phào, thế là lo xong cái Tết rồi. Bà định ngày gói bánh chưng. Như là định một cái ngày trọng đại, quyết định sự thành bại của cả một năm. Ngày gói bánh như là nghi lễ trang trọng nhất của Tết. Rồi bà và mẹ tiếp tục chạy vạy để có con gà cúng cơm 30 Tết, rồi làm bánh quy, làm mứt, nấu chè kho... bày cúng Tết.
Nhưng với mẹ, cái Tết như thế mới lo được một nửa, vì mẹ chưa mua hoa đào. Với mẹ, phải có một cành đào trong nhà thì mới gọi là Tết. Chợ hoa Tết ngày đó nhỏ lắm, tất cả chỉ tập trung ở Cống Chéo Hàng Lược. Người từ vườn đào Nhật Tân mang đào vào bán, đứng co ro trong cái lạnh cuối năm.
Tôi và mẹ ngày phải mấy lượt lên chợ hoa chọn đào. Mẹ rất khó tính, chọn mãi mà chưa mua được. Hôm sau lại đi tiếp. Mãi sau này, tôi mới hiểu ra cái lý mua hoa của mẹ. Mua hoa phải khó tính, phải chọn lựa thì mới có dịp nói chuyện với người bán hoa, mới có dịp ngắm nhiều loại hoa khác. Đấy chính là đi chơi Tết. Chứ đi mua hoa Tết mà ra chợ mua cái về ngay thì còn gì là xuân.
Những ngày gần Tết, Hà Nội tràn ngập các loại hoa đẹp. Hoa đào, hoa thược dược, hoa violet, hoa cúc, quất. Nhưng không hiểu sao ngày ấy hoa rất đắt. Có cành đào giá gần bằng cả tháng lương của mẹ. Có năm khó khăn quá, mẹ đã tuyên bố từ trước là năm nay không chơi hoa đào.
Nhưng rồi mẹ cứ bị dằn vặt suốt những ngày gần Tết, khi thấy những cành đào thắm trôi theo tay người về các ngả. Rồi chiều 30 Tết, tôi thấy mẹ mang ở đâu về một cành đào bích thật đẹp. Vẻ mặt mẹ rất cả quyết, kiểu như muốn ra sao thì ra, nhưng dứt khoát ngày Tết là phải có hoa đào. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh mẹ cầm cành đào về nhà khi đó.
Sáng mùng một, bà tôi mặc áo dài, đầu vấn khăn gấm. Bà nhìn thật lạ, đẹp lão, trang trọng, đầy quyền uy. Ông mặc áo ba-đờ-xuy dạ cũ nhưng vẫn còn đẹp. Bố tôi mặc comple, mẹ mặc áo dài, bên ngoài khoác chiếc áo len trắng kiểu cách. Bố mẹ tôi lễ phép chúc thọ ông bà. Bà mở tủ lấy ra phong bao hồng điều mừng tuổi cho bố mẹ tôi, chúc năm nay làm ăn phát tài. Rồi ông bà mừng tuổi chúng tôi, chúc chúng tôi học giỏi, lớn lên cho ông bà, bố mẹ được nhờ.
Bà bảo chúng tôi ra hè phố đốt pháo lấy may. Tiếng pháo nổ ran, mùi khói pháo thơm thơm. Bữa cỗ có thịt khiến mọi người vui cười rộn ràng. Sau này học y, tôi mới biết là ăn thịt sẽ khiến bộ não tiết ra hormone vui sướng. Thảo nào ngày ấy đến Tết thấy vui thế, cứ cười suốt. Tối hôm ấy, trẻ con được ngủ muộn, chìm vào trong giấc ngủ với nụ cười hạnh phúc.
Nhớ lại những nghi lễ của người Hà Nội xưa mà tôi thấy rưng rưng. Cuộc đời dù có khó khăn nhưng vẫn cố duy trì nếp nhà xưa. Tôi lúc đó là chú bé gầy gò, nhút nhát, đa cảm, chứng kiến tất cả các nghi lễ này và khắc ghi nó vào tim. Cuộc sống ngày nay đã sung túc lên rất nhiều, những nỗi vất vả xưa chắc không bao giờ quay lại, nhưng tôi vẫn nhớ cái tình người thấm đẫm trong Tết thuở ấy.
Quan Thế Dân
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/tet-thoi-bao-cap-o-ha-noi-196250114090056352.htm