Phía Nam thì hình như không cấy vào mùa này, nhưng lấy mai vàng (phía Bắc là hoa đào) làm chuẩn. Cứ đến mùa "lặt" lá mai là sắp tết. Lặt tức là tuốt lá. Người có kinh nghiệm là phải biết tuốt lá vào lúc nào, chăm sóc như thế nào để hoa nở đúng tết, và chả cứ hoa mai.
Nên dẫu có thể chả quan tâm gì, nhưng cứ thấy người trồng hoa chộn rộn chuyện chuẩn bị cho nở đúng tết là chúng ta biết... sắp tết.
Thời gian gần đây, nói gần đây chứ cũng vài chục năm, không khí tết lại tới từ 2 việc chính. Nói chính là bởi còn nhiều việc liên quan tới tết, như cách khoảng vài ba tháng các báo đã họp bàn việc làm báo tết, rồi đặt bài, với người viết, tức là tết sắp về dù có báo chu đáo, đặt trước cả... ba bốn tháng.
Việc đầu tiên nhắc tới tết, liên quan tới rất nhiều người, là vé xe, tàu, máy bay.
Ảnh minh họa.
Dân ta giờ toàn đi làm ăn xa, nhất là từ khi các khu công nghiệp lớn mở ra thu hút hàng triệu nhân công. Về ăn tết, đấy là những cuộc hành xác thật sự để có thể về quê ăn tết rồi lại trở vào làm việc đúng hạn. Phần lớn những người di chuyển ấy là dân miền Trung.
Và điểm mà tết họ tỏa ra để về và xong tết lại tất tả tụm vào là 2 thành phố lớn Hà Nội và Tp.HCM. Phải gọi đấy thật sự là những cuộc chiến đấu để trở về và để ra đi.
Tết Việt tức là phải về nhà, dù càng ngày xu hướng tết đi chơi, đi du lịch càng tăng, nhưng về cơ bản vẫn là về nhà. Về với bố mẹ, với ông bà tổ tiên, với xóm giềng. Và muốn về phải có... vé.
Việc đặt vé tết luôn là vấn đề thường trực của những người muốn về tết. Tất nhiên những người đi du lịch, đi chơi cũng cần vé, nhưng đa phần là vé chủ động, tức sẽ đi ngược đám đông.
Nước ta, cứ giáp tết là ùn ùn người từ Nam ra Bắc, từ thành phố về nông thôn, dẫu bây giờ phía Bắc cũng có nhiều khu công nghiệp thu hút nhân công, nhưng các khu công nghiệp phía Nam vẫn đông hơn.
Đấy thực sự là những cuộc xê dịch vĩ đại.
Hàng triệu người di chuyển trên đường bằng rất nhiều loại phương tiện. Đông nhất và nhiều nhất vẫn là xe đò.
Nên mới có những chuyến xe chở... gió.
Tức là một chiều rỗng. Trước tết thì chiều Bắc Nam sẽ rỗng, và sau tết thì chiều ngược lại. Và điều ấy lý giải cái sự tết nào cũng có điệp khúc... tăng giá. Tăng giá để bù vào chiều rỗng khách.
Mỗi người đều có một "mối" để lấy vé, phải lấy trước, có cái vé trong túi rồi, thường là vé 2 chiều, chiều đi và chiều về, thì mới yên tâm, làm gì thì làm.
Thế nên mới có chuyện, tết nào chính quyền sở tại cũng hứa, là sẽ không để một ai ăn tết ở... bến xe. Cũng từng có chuyện, tối 30 một giám đốc sở giao thông một tỉnh Tây Nguyên xuống bến xe kiểm tra, thấy có mấy người chưa có vé, chính xác là không còn xe chạy, bèn dùng xe của mình chở tiếp tới một bến xe gần đấy, sau khi đã liên hệ chắc chắn là còn xe chạy.
Cái chuyện trên đường về quê ăn tết năm nào cũng diễn ra, bi hài đủ cả. Có người giải thích, ngoài việc các khu công nghiệp lớn tập trung ở một vài tỉnh thành thôi, thì còn nguyên nhân nữa là do địa hình nước ta dài quá.
Việc thứ hai báo hiệu tết sắp đến là... nhà nước ra thông báo về việc cấm... đi chúc tết.
Thực ra chúc tết là một phong tục đẹp của dân tộc ta từ xưa tới nay. Cái công việc thường trực được ghi nhớ hẳn như thế này: "Mùng một tết cha mùng hai tết mẹ mùng ba tết thầy", đến thời chúng ta nó thêm một mục nữa, đứng đầu luôn, trước tết cả tháng luôn, là chúc tết... cấp trên.
Năm nào cũng thế, người ùn ùn từ huyện lên tỉnh, tỉnh ra Hà Nội, tới mức thành quen, thành một... hắc tục, nên năm nào lãnh đạo cấp cao vẫn phải nhắc, thậm chí là chỉ thị.
Dân phố, là các tỉnh lỵ, và thủ đô, đã quen với cảnh xe xếp hàng dài trước nhà sếp, rồi mỗi người một túi xách vào, rất nhanh trở ra rồi di chuyển để... nhường người đến sau.
Thậm chí có một năm một chủ tịch thành phố mới nhậm chức... nộp lại số quà đã nhận trong tết để sung công quỹ. Số tiền rất lớn, nhiều số không, nhưng rồi có vẻ... lạc lõng nên những năm sau ông không trả nữa, rồi mọi người cũng quên việc ấy.
Năm nay, thay mặt ban bí thư, Thường trực ban bí thư, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú lại ký chỉ thị 40-CT/TW 2024: "Nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức trong dịp Tết Ất Tỵ 2025", và tôi tin, năm nay việc này sẽ được thực hiện rất nghiêm túc.
Ai cũng biết, cái chuyện chúc tết cấp trên ấy, nó rất... tế nhị. Gọi là quà tết, nhưng chủ yếu là... phong bì, cái món quà được gói trong túi ấy nó là phụ, cái chính là cái phong bì kia. Đa phần chả ai lấy tiền nhà đi chúc tết, mà là tiền ngân sách. Vậy thì hiểu cho đúng, nó không phải là sự chúc tết thông thường nữa.
Bằng sự quyết liệt từ những lời nói tới việc làm của tổng bí thư, và cả hệ thống chính trị khi sự liêm chính, công khai và cả nghiêm khắc trước những việc làm sai trái lâu nay được điểm tên chỉ mặt, tôi tin năm nay sẽ không còn những cảnh nhếch nhác xếp hàng tất tưởi đến tất tưởi đi, như robot, như nghĩa vụ mà chả có tí cảm xúc tết nào khi "chúc tết".
Tất nhiên, trong chỉ thị của ban bí thư vẫn nhắc tới việc chăm lo tết cho nhân dân, nhất là người nghèo. Các tỉnh thành phố cũng đã tiếp tục ra văn bản chỉ đạo cấp huyện, quận không lên "chúc tết" tỉnh thành, và hướng sự quan tâm ấy về phía nhân dân.
Hy vọng những mỹ tục chúc tết nhau sẽ được giữ lại phần trong sáng, đẹp đẽ như cha ông ta đã từng. Và việc mà chính phủ đang làm, cùng lúc khởi động nhiều công trình giao thông cao tốc cả đường bộ đường sắt và đường không, sẽ khiến những người làm việc học tập ở xa về quê ăn tết như một chuyến du lịch đúng nghĩa, để không còn là những cuộc hành xác trên đường như lâu nay.
Hai việc trên được giải quyết rốt ráo sẽ giúp chúng ta bước vào kỷ nguyên mới một cách thanh thản và nhẹ nhõm hơn, tâm hồn sẽ phơi phới hơn, lương tâm sẽ bình yên để đón tết và đón kỷ nguyên mới.
* Bài viết theo quan điểm tác giả!
Văn Công Hùng